Sự cố phần mềm lậu của Samsung và pha xử lý cao tay của Adobe
Sự kiện Unpacked của Samsung được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Paris của nước Pháp và phát trên nhiều nền tảng truyền thông và mạng xã hội. Đây là sự kiện giới thiệu các sản phẩm mới như smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold6 và Z Flip 6, nhẫn thông minh Galaxy Ring, đồng hồ thông minh Watch 7 và Watch Ultra.
Tuy nhiên tại đầu cầu Việt Nam, buổi tiếp sóng đã xảy ra sự cố hy hữu. Trong đó, màn hình phát sóng trên kênh Samsung Việt Nam bất ngờ hiển thị thông báo từ Adobe: "Ứng dụng của bạn đã bị vô hiệu hóa - Ứng dụng Adobe không được cấp phép của bạn đã bị vô hiệu hóa. Hãy thay thế ứng dụng đó bằng ứng dụng Adobe chính hãng và tiết kiệm đến 40%".
Theo nhận định của giới chuyên môn, sự cố này cho thấy thiết bị được sử dụng để phát trực tiếp sự kiện đã dùng phần mềm Adobe bị bẻ khóa. Một chuyên gia công nghệ chia sẻ: "Adobe gần đây đã tăng cường kiểm tra định kỳ nhằm ngăn chặn việc sử dụng phần mềm không hợp pháp. Tình huống này có thể do máy tính dùng để livestream đã cài đặt phiên bản phần mềm crack và bị phát hiện."
Theo tìm hiểu, gói thuê bao đầy đủ các phần mềm của Adobe có giá khoảng 30 USD/tháng (tương đương 750.000 đồng) cho mỗi tài khoản, áp dụng cho thanh toán theo năm. Riêng phần mềm Adobe Photoshop có giá khoảng 23 USD/tháng (570.000 đồng).
Sự cố này không chỉ gây bất ngờ cho người xem mà còn làm dấy lên câu hỏi về việc sử dụng phần mềm bản quyền trong các sự kiện công nghệ lớn. Đồng thời, nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ bản quyền phần mềm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ.
Trên các nền tảng mạng xã hội, dư luận bàn tán sôi nổi về chủ đề này. Hàng loạt hình ảnh chế hoặc so sánh Samsung với các thương hiệu công nghệ lớn khác đã được đăng tải. Đa phần ý kiến đều tập trung vào châm biếm việc một thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung lại không đủ tiền mua bản quyền chính hãng.
Rạng sáng 11/7, một đơn vị có tên Zoom Media đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho sự cố tiếp sóng của Samsung Việt Nam. Zoom Media giới thiệu họ là đơn vị cung cấp thiết bị và kỹ thuật vận hành livestream cho sự kiện kể trên.
Zoom Media cho biết hệ thống kỹ thuật của buổi phát sóng bao gồm hai máy tính (một chính và một dự phòng). Do sự kiện diễn ra ở nước ngoài, ekip buộc phải sử dụng phương pháp capture màn hình từ máy tính và đưa vào bàn trộn để thực hiện livestream.
Phía Zoom Media khẳng định, thông báo gây tranh cãi xuất phát từ phần mềm Adobe Encore - một ứng dụng của bên thứ ba, không liên quan đến phần mềm livestream chính thức của Samsung. Họ nhấn mạnh đây là "lỗi kỹ thuật ngoài ý muốn" xảy ra trong quá trình sản xuất chương trình.
"Chúng tôi xác nhận vấn đề này không liên quan đến nhãn hàng Samsung. Đây hoàn toàn là sự cố kỹ thuật từ phía đơn vị thực hiện," đại diện Zoom Media chia sẻ. Doanh nghiệp cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì sự cố đã ảnh hưởng đến một sự kiện quan trọng của Samsung.
Zoom Media nhấn mạnh về kinh nghiệm lâu năm của họ trong việc thực hiện các sự kiện livestream lớn nhỏ cho nhiều thương hiệu uy tín. Đơn vị này khẳng định luôn tôn trọng quy trình thực hiện trong từng dự án.
Theo tìm hiểu, Zoom Media là đơn vị sản xuất video quảng cáo, giới thiệu doanh nghiệp, gameshow... Công ty từng hợp tác tổ chức các sự kiện như Web3 Whale Summit, WeChoice Awards 2023, Sự kiện trải nghiệm Galaxy Experience Space của Samsung...
Đại diện Zoom Media gửi lời xin lỗi đến Samsung và mong nhận được sự thông cảm từ công chúng về sự cố đáng tiếc này. Trong khi đó, Samsung Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.
Dữ liệu từ Google Trends cho thấy từ khoá "Adobe" nhanh chóng được lên bảng xếp hạng Top 10 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất, trái ngược với quãng thời gian im ắng trước đó. Ở phía ngược lại, Samsung vốn đã khởi động chiến dịch ra mắt sản phẩm mới từ trước đó nền tần suất được tìm kiếm của thương hiệu Hàn Quốc đều giữ ở mức cao và sự kiện hôm qua tiếp tục đẩy lượt tìm kiếm lên cao đột biến. Đa phần lượt tìm kiếm đều gắn từ khoá "Samsung" bên cạnh "Adobe" nhau và đều đạt trạng thái "Break Out".
Break Out là thuật ngữ chỉ sự gia tăng đột biến và đáng kể trong lượng tìm kiếm của một từ khóa cụ thể trong một khoảng thời gian ngắn trên Google Trends. Mức tăng này vượt xa so với xu hướng tìm kiếm thông thường của từ khóa đó.
Hiện tượng này có nhiều ý nghĩa đối với hoạt động marketing và truyền thông cho doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực marketing, trạng thái Break Out có thể chỉ ra các xu hướng mới nổi hoặc chủ đề đang được quan tâm và doanh nghiệp có thểxem đây là cơ hội để tận dụng sự chú ý của công chúng.
Dĩ nhiên với một đơn vị kinh doanh công cụ công nghệ sáng tạo như Adobe, họ biết phải làm gì để chiều khách và đủ khiến dư luận thích thú. Trên trang web có hỗ trợ tiếng Việt của hãng, Adobe đã "offer" (đề xuất - PV) ưu đãi giảm 15% cho tất cả ứng dụng Adobe Creative Cloud đối với nhà Samsung. Theo đó, từ mức giá 57,99 USD/tháng (hơn 1,4 triệu đồng) giảm xuống còn 42,29 USD/tháng (hơn 1,2 triệu đồng).
Adobe Creative Cloud là một nền tảng cung cấp truy cập vào bộ các ứng dụng sáng tạo và dịch vụ của Adobe thông qua mô hình đăng ký, bao gồm các công cụ quen thuộc với giới sáng tạo như Photoshop (chỉnh sửa ảnh), Illustrator (đồ họa vector), InDesign (thiết kế và xuất bản), Premiere Pro (biên tập video), After Effects (hiệu ứng đặc biệt và chuyển động đồ họa), Lightroom (chỉnh sửa và tổ chức ảnh), XD (thiết kế trải nghiệm người dùng),...