|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI: Tốc độ phục hồi đang giảm nhanh chóng, đặc biệt ngành chế biến chế tạo bắt đầu khó khăn

11:03 | 06/12/2022
Chia sẻ
Sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và số lượng đơn đặt hàng mới chậm lại đã ngày càng tác động sâu rộng hơn tới hầu hết các nhóm ngành chế biến chế tạo.

Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI Research vừa công bố báo cáo vĩ mô, theo đó cho biết xu hướng phục hồi được duy trì ở các lĩnh vực chủ chốt, tuy nhiên tốc độ phục hồi đang giảm nhanh chóng, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo trước những thách thức đến từ bên ngoài cũng như nội tại của nền kinh tế.

Điểm sáng trong tháng đến từ các yếu tố liên quan đến thanh khoản hệ thống, biến động trên thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp và tỷ giá đã có sự cải thiện rõ rệt về cuối tháng, cũng như việc giải ngân vốn FDI duy trì đà tăng trưởng tích cực.  

Về ngành sản xuất, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và số lượng đơn đặt hàng mới chậm lại đã ngày càng tác động sâu rộng hơn tới hầu hết các nhóm ngành chế biến chế tạo.

Các chỉ số về sản xuất, PMI hay xuất khẩu đều kém tích cực trong tháng 11. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp cho ngành chế biến chế tạo tháng 11 (IIP) chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ (so với mức 5,7% vào tháng 10) và chỉ số PMI lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021 ghi nhận xuống dưới 50 điểm.

Số lượng đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm tốc, cho thấy triển vọng tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo trong thời gian tới sẽ không mấy khả quan.

 

 

Tương tự, số liệu xuất nhập khẩu ước tính trong tháng 11 từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kết quả đáng lo ngại. Xuất khẩu đảo chiều khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ (-8,4%), trong đó, mức sụt giảm mạnh nhất đến từ nhóm điện tử tiêu dùng (-13,9%), dệt may (-6,4%) hay điện thoại di động (-0,7% so với cùng kỳ) và thép (-70%). Tăng trưởng xuất khẩu tới các đối tác chính cũng giảm đáng kể như Mỹ (-12,4%) hay EU (-2,8%).

Nhập khẩu hạ nhiệt (-7,3% so với cùng kỳ) cũng là yếu tố đáng lo ngại, cho thấy việc cắt giảm nhập khẩu các mặt hàng trung gian do đơn hàng xuất khẩu yếu đi. Như vậy, SSI cho rằng với những dấu hiệu trên, khả năng để xuất khẩu có thể đảo chiều tăng trưởng trong tháng 12 là khá thấp, đặc biệt đặt trong bối cảnh mức nền cao vào cuối năm ngoái. 

Trong khi đó, tiêu dùng nội địa bất ngờ ghi nhận mức tăng khá mạnh trong tháng 11 (2,6% so với tháng trước và 17,5% so với cùng kỳ), và số liệu chính thức tháng 10 cũng được điều chỉnh tăng đáng kể (tăng 3% so với số liệu sơ bộ) trong tất cả ngành nhỏ, từ bán lẻ hàng hóa đến du lịch.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%, và nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9%.

Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê đã đề cập tới việc quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch.

Điều này cho thấy tiêu dùng nội địa có phục hồi nhưng chưa thể quay về lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước dịch, trong đó SSI cho rằng lạm phát cao và doanh thu du lịch (do Trung Quốc chưa mở cửa) là yếu tố chính tác động tới điều này.

Lạm phát bắt đầu tăng tốc kể từ cuối quý II, trong đó đáng chú ý là giá thuê nhà tăng mạnh (tiếp tục tăng 2% trong tháng 11, sau khi tăng tới 17% trong 2 tháng 9 và 10) là yếu tố phần nào tác động tới tiêu dùng nội địa.

Trên thực tế, mặc dù lạm phát chung đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với tháng 10 (đi ngang, và tăng 4,4% so với cùng kỳ), lạm phát cơ bản đã được đẩy lên tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Nhờ mức trung bình thấp trong nửa đầu năm 2022, SSI duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2022 ở +3,4% (thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4%) và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi xem xét việc điều chỉnh giá các nhóm hàng thuộc quản lý của Chính phủ như điện, y tế, giáo dục hay là tác động truyền dẫn của tỷ giá đối với chi phí nhập khẩu. 

 

Báo cáo cũng đề cập đến giải ngân FDI là điểm sáng trong tháng trong khi giải ngân đầu tư công không có nhiều cải thiện.

Cụ thể, giải ngân vốn FDI trong 11 tháng có mức tăng trưởng tốt, đạt 19,68 tỷ USD và tăng 15,1% so với cùng kỳ - cao hơn mức tăng trưởng trung bình trước COVID-19.

Ước tính FDI giải ngân đạt khoảng 21-22 tỷ USD trong năm 2022, và là yếu tố cơ bản hỗ trợ cho cán cân thanh toán và tỷ giá.

Về vốn FDI đăng ký, tổng vốn FDI cam kết trong 11 tháng đầu năm đạt 21,2 tỷ USD (chỉ còn giảm 3% so với cùng kỳ) và nhờ vậy kỳ vọng FDI giải ngân trong giai đoạn tới vẫn còn tích cực.

Về giải ngân đầu tư công, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy tốc độ không có nhiều sự cải thiện. Tính đến tháng 11, giải ngân đầu tư công ước tính đạt 58% kế hoạch năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (64% kế hoạch). Với việc chỉ còn hai tháng để giải ngân trong năm ngân sách 2022, kế hoạch giải ngân 95-100% như kỳ vọng của Chính phủ rất khó để hoàn thành. 

Hồng Hà

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.