|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI Research: Tăng trưởng GDP quý III âm sẽ không quá bất ngờ

09:58 | 09/09/2021
Chia sẻ
Số liệu vĩ mô trong tháng 8 phản ánh ảnh hưởng không chỉ còn gói gọn trong khu vực dịch vụ mà đã lan rộng sang ngành sản xuất – chế biến chế tạo. SSI Research cho rằng sẽ không quá bất ngờ khi tăng trưởng GDP quý III ghi nhận giá trị âm.

Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 9, theo đó cho rằng việc tốc độ tăng trưởng GDP quý III ghi nhận giá trị âm sẽ không quá bất ngờ khi hầu hết các cấu thành chính trong GDP đều sụt giảm, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng.

Việc thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất trong thời gian dài (hơn 2 tháng đối với TP HCM và các tỉnh Nam Bộ và hơn 1 tháng đối với Hà Nội) đã khiến tất cả các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn. Số liệu vĩ mô trong tháng 8 phản ánh ảnh hưởng không chỉ còn gói gọn trong khu vực dịch vụ mà đã lan rộng sang ngành sản xuất – chế biến chế tạo.

Ngành sản xuất chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong tháng 8. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 7,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo giảm 9,8% - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. 

Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất chủ yếu được ghi nhận ở các tỉnh thành phía Nam với IIP giảm tới -23,4%. 

Các phương án duy trì sản xuất như "3 tại chỗ" hoặc "Một cung đường hai điểm đến" chỉ mang tính tạm thời và thể hiện nhiều bất cập khiến công suất sản xuất của các nhà máy ở phía Nam ở mức thấp - chỉ vào khoảng 10 - 50%. Các nhóm ngành có mức suy giảm mạnh trong tháng 8 đều có sản lượng tập trung chủ yếu ở phía Nam như như đồ gỗ nội thất (- 20,9%), sản xuất thực phẩm (-15,2%), giày dép (-28,3%),...

SSI Research: Tăng trưởng GDP quý III âm sẽ không quá bất ngờ  - Ảnh 1.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xuất khẩu ước tính giảm 5,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ, trong đó khối khu vực kinh tế trong nước giảm tới 16,6%. Các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp nội địa đều ghi nhận tăng trưởng âm như thủy sản (-26,1%), gạo (-30,4%), gỗ (-26,9%) và dệt may (-9,2%). 

Điểm sáng trong xuất khẩu tháng 8 đến từ nhóm ngành sắt thép (+107%) và nhóm ngành liên quan đến hóa chất, cao su và chất dẻo. Tăng trưởng xuất khẩu khối FDI chỉ giảm nhẹ, -0,6% nhờ đóng góp tích cực từ xuất khẩu điện thoại (+10,5%) và máy móc, thiết bị (+12,6%) (chủ yếu sản xuất ở khu vực phía Bắc).

SSI Research: Tăng trưởng GDP quý III âm sẽ không quá bất ngờ  - Ảnh 2.

Tiêu dùng nội địa tiếp tục giảm rõ rệt khi giãn cách xã hội kéo dài. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ ước tính giảm tới 39% trong tháng 8 so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,8%). 

Với việc lệnh giãn cách xã hội sẽ tiếp tục duy trì ở hầu hết các tỉnh thành đến hết 15/9, số liệu bán lẻ trong tháng tới được kỳ vọng cũng không có nhiều diễn biến tích cực.

SSI cho rằng nhìn chung số liệu xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đều chỉ ra động lực tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo vẫn còn mạnh mẽ và sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở khu vực phía Nam hiện tại chỉ mang tính tạm thời. 

Khả năng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 và các biện pháp nới lỏng giãn cách của Chính phủ sẽ là yếu tố then chốt giúp tâm lý của các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng và nhà đầu tư hồi phục.

Anh Đào