SSI Research: Diễn biến tỷ giá chưa có nhiều cải thiện chủ yếu do tâm lý găm giữ còn khá cao
Theo báo cáo chiến lược tháng 11 của SSI Research, các chuyên gia cho biết tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước COVID-19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 0,3-0,4 điểm % so với cuối năm 2021.
Trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.
Cụ thể, NHNN đã phải bơm thanh khoản tiền đồng với khối lượng lớn thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần đầu tháng 10 và cùng với đó thì áp lực lên tỷ giá bắt đầu xuất hiện cao dần.
Bên cạnh đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục duy trì ở mức trần của biên độ giao dịch, và NHNN đã phải thực hiện nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5%, kết hợp với điều chỉnh tăng tỷ giá bán tại Sở giao dịch của NHNN lên 24.870 đồng/USD.
Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá chưa thực sự có nhiều cải thiện, chủ yếu do tâm lý găm giữ còn khá cao. Tính đến hiện tại, tỷ giá USDVND đã tăng khoảng 8,6% so với cuối năm 2021.
Do đó, trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % vào ngày 24/10. Với mức điều chỉnh kể trên, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước COVID-19 khoảng 0,5-1 điểm %.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 20/10, và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%. Như vậy, chênh lệch huy động – tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ, sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong hai tháng qua.
Do vậy, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.