Sống thấp thỏm trên điểm sạt lở cạnh nơi thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Điểm sạt lở này xảy ra vào lúc 2 giờ ngày 18/7/2023, tại đoạn đường dọc bờ sông Bến Bạ, ngay cạnh điểm thi công đóng cọc cầu Bến Bạ, nhánh 2, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang (thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông). Vị trí sạt lở dài khoảng 100m, ngang 5m, thuộc khu vực Phú Lợi, phường Tân Phú, quận Cái Răng, nguy cơ sạt lở thêm mỗi đầu khoảng 5m.
Chị Lê Thị Hồng Mai (một trong 7 hộ dân bị ảnh hưởng) kể, hôm đó vào khoảng 1 giờ sáng, khi chị đang ngủ thì nghe tiếng răng rắc, cả nhà thức dậy ra xem thì quán cà phê là ngôi nhà tiền chế khung sắt, mái tôn đã đổ sụp xuống sông, kéo theo cả đoạn đường phía trước các hộ lân cận.
Căn nhà tiền chế là quán nước chị Mai buôn bán kiếm sống qua ngày. Đôi chân bị tất nguyền từ nhỏ, đi lại phải chống nạng, hàng ngày chị Mai bán cà phê, bún kiếm lời được vài chục ngàn. Từ ngày quán sụp xuống sông, nguồn thu nhập ít ỏi của người phụ nữ ngày cũng mất.
“May là đêm đó tôi lên nhà mẹ ngủ, chứ ngủ dưới quán thì không biết sao nữa. Nếu sạt lở trễ một chút khi có khách đến quán uống cà phê thì có khi thiệt hại còn nặng hơn” chị Mai chưa hết bàng hoàng khi kể lại thời khắc chứng kiến vụ sạt lở.
Vụ sạt lở cũng làm cắt đứt tuyến đường giao thông ven sông Bến Bạ, gây khó khăn cho các hộ dân. Không chỉ vậy, sự cố chưa được khắc phục làm người dân sống trong bất an, lo lắng vì nguy cơ sạt lở có thể vẫn tiếp diễn. Theo người dân, đơn vị thi công đóng cọc để làm cầu Bến Bạ khi còn vài cây nữa là hoàn thành thì họ phát hiện vết nứt trên đường, tường nhà nên yêu câu ngưng lại.
Theo anh Lê Văn Tòng (anh trai chị Mai), năm 2007, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, cha mẹ anh là ông Lê Văn Ba và bà Võ Thị Xứng đã quyết định hiến gần 3.000 m2 đất của gia đình để làm tuyến đường Lộ Hậu Tân Phú nằm phía sau nhà khoảng 200m. Mẹ anh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba do có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vụ sạt lở xảy ra gần 2 tháng nhưng gia đình tới giờ chưa nghe thông tin được hỗ trợ gì, trong khi cuộc sống rất khó khăn.
“Từ lúc sự cố xảy ra đến nay, phía đơn vị thi công không đến hỏi han một câu, không nghe nói khắc phục hỗ trợ gì. Sắp tới mùa triều cường, ngập nhà cửa của chúng tôi rồi sao đây. Chúng tôi là gia đình chính sách, từng hiến đất cho Nhà nước làm đường, em tôi tật nguyền, sao đối xử với chúng tôi như vậy?” - anh Tòng bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, lãnh đạo UBND phường Tân Phú cho hay, phường đã mời đại diện UBND quận, đơn vị thi công đến họp, kiểm tra. Nguyên nhân sạt lở là do nền đất yếu cộng với quá trình thi công đóng cọc gây nên. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy phương án khắc phục, hỗ trợ gì.
Theo UBND quận Cái Răng, đoạn sạt lở làm gãy mặt đường bê tông, gây tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng một quán cà phê (sụp hoàn toàn, diện tích 4x8m, kết cấu nhà tiền chế, ước thiệt hại về nhà và tài sản khoảng 80 triệu đồng).
Sau khi sạt lở xảy ra, UBND quận đã chỉ đạo các ngành phối hợp rào chắn, mở đường đi tạm để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, đồng thời giao Phòng Kinh tế quận khẩn trương khảo sát, đề xuất phương án thực hiện gia cố.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương còn nhiều khó khăn, không đảm bảo để triển khai công trình khẩn cấp… Để đảm bảo an toàn cho người dân và diện tích đất nông nghiệp tại khu vực, cũng như đảm bảo an toàn thi công tại vị trí nêu trên, UBND quận Cái Răng kiến nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang) xem xét, hỗ trợ thực hiện khắc phục sạt lở cạnh ngay điểm thi công đóng cọc cầu Bến Bạ.
UBND quận Cái Răng đề xuất hai phương án khắc phục. Phương án tạm thời là trải tấm cao su bảo vệ mái bờ sông, xây bờ bao tạm bằng gạch và mượn đất dân làm đường tạm bằng cấp phối đá dăm… với kinh phí khoảng 380 triệu đồng nhằm tạm thời bảo vệ diện tích sản xuất, tài sản của người dân, giúp dân lưu thông đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ sắp tới, chờ đầu tư kiên cố.
Về lâu dài, UBND quận Cái Răng đề xuất sử dụng phương án kiên cố là khắc phục hoàn toàn điểm sạt lở này bằng việc xây dựng cầu bản bê tông cốt thép, móng gia cố cọc bê tông cốt thép, khôi phục tạo mái kênh và thảm rọ đá hộc. Chiều dài xây dựng 120m, bề rộng mặt cầu 4m, tải trọng thiết kế 2,5 tấn với kinh phí gần 8 tỷ đồng.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km, đi qua 5 địa phương là thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó, phạm vi dự án qua địa bàn Cần Thơ có tổng chiều dài đường cao tốc là 0,6 km tuyến chính (từ Km 15+350 - Km 15+950) và 9,6 km tuyến nối, cùng với nút giao IC2.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện tiến độ thi công hiện đạt khoảng 9%. Dự án chia làm bốn gói thầu, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang một gói thầu, đoạn Hậu Giang – Cà Mau ba gói thầu. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai đào đắp hữu cơ, thi công cầu trong khi nguồn cát đắp nền đang gặp khó khăn. Toàn tuyến có 128 cây cầu, các vị trí cầu thuận lợi đều đang được tổ chức thi công