|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất 3 tỉnh ưu tiên nguồn cát đắp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

00:00 | 17/05/2023
Chia sẻ
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản gửi Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc phân bổ nguồn cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam, các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Nội dung văn bản cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường hai dự án thành phần hơn 18 triệu m3. Riêng năm 2023, nhu cầu cát đắp cần hơn 9 triệu m3.

 
Trong tháng 2/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có các văn bản đề nghị các địa phương bố trí nguồn vật liệu cát cho dự án. Trong đó, đề nghị tỉnh An Giang bố trí khoảng 7 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp khoảng 7 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long khoảng 5 triệu m3 cát.
 
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) và các đơn vị thi công dự án cũng đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu cát như: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Tuy nhiên, đến nay các địa phương mới có kế hoạch dự kiến cung cấp cho dự án khoảng 3 triệu m3.
 
Cụ thể, tỉnh An Giang đã bố trí 1,1 triệu m3 từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác. Đến nay, chưa có quyết định tăng công suất do đang chờ xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Tỉnh Đồng Tháp đã bố trí gần 1,9 triệu m3 từ nguồn tăng công suất mỏ đang khai thác và bố trí 2 mỏ mới.
 
Hiện nay, các nhà thầu đang tích cực tiếp nhận 371.000 m3 từ mỏ tăng công suất và phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện các thủ tục mở mỏ mới.
 
Phục vụ triển khai dự án, UBND tỉnh Đồng Tháp dự kiến tiếp tục bố trí hơn 5 triệu m3 cát cho dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nhưng chưa xác định cụ thể tên, vị trí mỏ dự kiến.
 
"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp để được hướng dẫn thủ tục và xác định tên, vị trí mỏ cụ thể để triển khai các thủ tục tiếp theo", Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.
 
Về phía tỉnh Vĩnh Long, hiện tại UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị bổ sung vị trí mỏ có mã hiệu quy hoạch NTSH.7 trong phạm vi nhánh trái sông Hậu và sông Trà Ôn thuộc huyện Trà Ôn vào hồ sơ khảo sát vật liệu của dự án làm cơ sở thực hiện các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu (trữ lượng hơn 1 triệu m3).
 
Chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục để bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu. Nhà thầu đang đồng thời tổ chức xác định trữ lượng, chất lượng mỏ, dự kiến hoàn thành trước ngày 12/5/2023 để có số liệu báo cáo cấp có thẩm quyền.
 
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã tổ chức triển khai thi công từ ngày 1/1/2023. Đến nay, các nhà thầu đã huy động đủ máy móc, thiết bị, tiến hành đào bóc hữu cơ gần như toàn tuyến nhưng chưa có nguồn vật liệu cát san lấp để đắp nền.
 
Trên cơ sở số liệu về mỏ vật liệu cát đã được các địa phương quy hoạch, các văn bản và biên bản làm việc của các địa phương về xác định khả năng cung ứng nguồn cát, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long hoàn toàn có đủ nguồn để cung cấp ngay các mỏ vật liệu cát cho các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
 
Từ các phân tích trên, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Cục Khoáng sản Việt Nam tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước mắt phân bổ nguồn cát từ 3 tỉnh cho hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với tổng trữ lượng gần 10 triệu m3 trong năm 2023 để đảm bảo tiến độ thi công. Trong đó, tỉnh An Giang là 3,3 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp là 3,3 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long là 2,5 triệu m3.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang cho biết, để dự án đạt tiến độ theo hợp đồng, ngoài mặt bằng thi công, khâu giải quyết nguồn cung vật liệu cát đắp nền đường là yêu cầu ưu tiên số một. Vì nếu không có nguồn cát đắp thì không thể thi công xử lý nền đất yếu trên tuyến, kéo theo đó là thời gian gia tải… sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình và kế hoạch thi công của nhà thầu. 
 
Vì vậy, ngay khi được chọn làm nhà thầu thi công dự án, nhà thầu này đã cùng chủ đầu tư làm việc với các địa phương dự án đi qua về nguồn cung cấp cát cho dự án. Tuy nhiên trữ lượng tại các mỏ trong quy hoạch đang khai thác không đảm bảo đủ nhu cầu dự án. 
 
"Nhu cầu cát phục vụ thi công rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm mới hoàn thành được dự án. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ mới, nâng công suất khai thác, nhà thầu đã chủ động mua cát từ các mỏ đang khai thác nhưng việc cung ứng ở mức độ rất hạn chế", đại diện nhà thầu Trường Sơn chia sẻ. 
 
Cao tốc Bắc Nam từ Cần Thơ đi Cà Mau gồm hai đoạn tuyến: Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Trong đó, dự án Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài 37,65 km. Dự án có điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối tại huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang. Tuyến sẽ được đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh. Dự án tổng mức đầu tư là 10.370,74 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.956,46 tỷ đồng. Dự án có một gói thầu xây lắp duy nhất do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36- CTCP - Tổng công ty Xây dựng số 1- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam đảm nhận với thời gian thực hiện hợp đồng là 1.020 ngày. 
 
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,223 km và tuyến nối dài 16,597 km qua các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Điểm đầu tiếp nối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, điểm cuối tại đường nối vào Hành lang ven biển phía Nam huyện Thới Bình. Tuyến đường đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư trên 17.152 tỷ đồng với 3 gói thầu; trong đó gói thầu XL-02 có chiều dài hơn 23 km, từ Km91+800 - Km114+200 do Liên danh nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần Hải Đăng, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn.

 

Quang Toàn