Thiếu cát đắp nền đường, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gặp khó về tiến độ
Được khởi công từ đầu năm 2023, qua 4 tháng triển khai, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đang gặp nhiều thách thức về tiến độ do thiếu nguồn cát đắp nền và khó khăn về mặt bằng tiếp cận thi công.
Nút thắt nguồn cát đắp
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, thời điểm hiện tại, cát đắp nền đường vẫn là nút thắt đối với dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau khi trong tổng nhu cầu cát đắp cần khoảng 11 triệu m3 trong năm 2023, đến nay, mới có tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định tăng công suất mỏ, các nhà thầu mới chỉ lấy được hơn 370.000 m3 về công trường.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, về nguồn cát san nền phục vụ các dự án cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng nhu cầu cát phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai ở khu vực này lên tới hơn 53 triệu m3, tập trung các năm 2023-2025; trong đó riêng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua khu vực cần hơn 18 triệu m3 (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau).
Hiện có 24 mỏ cát đáp ứng chất lượng tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, công suất khoảng 8 triệu m3/năm. Tuy nhiên, trữ lượng khai thác còn lại của các mỏ cát này nếu dùng hết cho cao tốc Bắc - Nam vẫn không đủ.
Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương đảm bảo nguồn cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tới nay các địa phương mới cam kết cung cấp được khoảng 3 triệu m3 (trong khi cần hơn 18 triệu m3). Trong đó, An Giang cam kết cung cấp 1,1 triệu m3, Đồng Tháp cam kết 1,9 triệu m3, Vĩnh Long đang rà soát, thăm dò mỏ mới.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, cho biết, để dự án đạt tiến độ theo hợp đồng, ngoài mặt bằng thi công, khâu giải quyết nguồn cung vật liệu cát đắp nền đường là yêu cầu ưu tiên số một. Vì nếu không có nguồn cát đắp thì không thể thi công xử lý nền đất yếu trên tuyến, kéo theo đó là thời gian gia tải… sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu.
Vì vậy, ngay khi được chọn làm nhà thầu thi công dự án, nhà thầu này đã cùng chủ đầu tư làm việc với các địa phương dự án đi qua về nguồn cung cấp cát cho dự án. Tuy nhiên trữ lượng tại các mỏ trong quy hoạch đang khai thác không đảm bảo đủ nhu cầu dự án.
"Nhu cầu cát phục vụ thi công rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm mới hoàn thành được dự án. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ mới, nâng công suất khai thác, nhà thầu đã chủ động mua cát từ các mỏ đang khai thác nhưng việc cung ứng ở mức độ rất hạn chế", đại diện nhà thầu Trường Sơn chia sẻ.
Còn đại diện Ban điều hành gói thầu XL02 cao tốc Hậu Giang – Cần Thơ thông tin, khối lượng cát cần đắp đường cho riêng gói XL02 là 3,1 triệu m3, tuy nhiên đến đến thời điểm này lượng cát được cấp cho dự án chưa nhiều. Vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết nếu không tiến độ dự án bị ảnh hưởng rất lớn.
Trong khi đó, việc sử dụng cát biển thay thế cát sông cho san lấp nền đường đang giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, thi công thử. Dự kiến sẽ làm thử nghiệm 01km sử dụng cát biển cho nền đường đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Nhanh nhất, cuối năm nay mới có báo cáo đánh giá, khi đó mới có thể xác định được khả năng sử dụng cát biển thay cát sông san lấp các dự án.
Để đảm bảo nguồn cung cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam và cao tốc khác qua Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các địa phương trong khu vực cung cấp số liệu về nguồn cung cát trên địa bàn để tổng hợp, điều phối đáp ứng tiến độ triển khai các dự án cao tốc. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương phải cung ứng nguồn cát cho dự án cao tốc Bắc – Nam; trong đó An Giang và Đồng Tháp mỗi địa phương bố trí hơn 6,5 triệu m3, Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3.
Khó khăn đường tiếp cận thi công
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay, các địa phương trong vùng dự án cao tốc từ Cần Thơ đi Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 90% tổng chiều dài toàn tuyến (hơn 110km).
Tuy nhiên, một số đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng còn tình trạng "xôi đỗ", hoặc vướng nhà cửa, vật kiến trúc tại các vị trí tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hiện hữu và các kênh rạch nên việc tiếp cận mặt bằng thi công gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, có 43 vị trí (cầu, kênh, sông lớn...) còn vướng, chưa tiếp cận công trường; chưa di dời 8 vị trí điện cao thế, 148 vị trí điện trung hạ thế, 106 vị trí đường nước và viễn thông.
Trong đó, đoạn qua địa bàn Hậu Giang còn vướng 16 vị trí chưa thông tuyến, chưa có mặt bằng cho đơn vị thi công vận chuyển cơ giới đi qua; 7 vị trí đường dây cao thế, 89 vị trí đường dây trung, hạ thế và 70 vị trí đường nước và viễn thông chưa di dời...
Về vấn đề này, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết đã có các giải pháp tháo gỡ cụ thể từng vị trí còn vướng. Trước mắt, đối với các vị trí chưa thông tuyến, cần tập trung vận động các hộ dân cho xe máy thi công đi qua để đến điểm có mặt bằng thi công.
Về các vướng mắc pháp lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sớm thống kê từng trường hợp cụ thể gửi Ban Chỉ đạo các huyện và báo cáo đề xuất cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Trường hợp các hộ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2006 được hỗ trợ 70% giá trị; các trường hợp bức xúc về giao đất ở tái định cư, kể cả các hộ mặt tiền quốc lộ 1; các hộ không được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; mức hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư thấp... Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật để ngành điện lực khẩn trương di dời.
Trong bối cảnh khó khăn trên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tăng sản lượng công trình cầu trên tuyến. Cầu nào có mặt bằng, có đường tiếp cận phải thi công ngay. Với cầu không có đường tiếp cận, các nhà thầu phải làm đường công vụ để đưa máy móc, thiết bị vào triển khai.
Về sản lượng, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, sau khoảng 4 tháng triển khai, sản lượng thi công tại dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau mới đạt được gần 2% giá trị các hợp đồng. Kết quả này đòi hỏi các nhà thầu phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp, tăng cường các mũi thi công cả trong những dịp nghỉ lễ sao cho giá trị xây lắp mỗi tháng phải thực hiện được từ 2 - 3% giá trị thay vì 1% như hiện tại.
Cao tốc Bắc Nam từ Cần Thơ đi Cà Mau gồm hai đoạn tuyến: Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Trong đó, dự án Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài 37,65km. Dự án có điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối tại huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang. Tuyến sẽ được đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh. Dự án tổng mức đầu tư là 10.370,74 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bàng là 1.956,46 tỷ đồng. Dự án có một gói thầu xây lắp duy nhất do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36- CTCP - Tổng công ty Xây dựng số 1- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam đảm nhận với thời gian thực hiện hợp đồng là 1.020 ngày.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,223km và tuyến nối dài 16,597 km qua các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Điểm đầu tiếp nối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, điểm cuối tại đường nối vào Hành lang ven biển phía Nam huyện Thới Bình. Tuyến đường đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Dự án có tổng mức đầu tư trên 17.152 tỷ đồng với 3 gói thầu; trong đó gói thầu XL-02 có chiều dài hơn 23km, từ Km91+800 - Km114+200 do Liên danh nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần Hải Đăng, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/