|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sống lâu cũng là bí quyết đầu tư

15:27 | 18/02/2018
Chia sẻ
Thế giới đầu tư ở Wall Street không thiếu những ngôi sao lóe sáng rực rỡ rồi vụt tắt. Tuy nhiên, trường hợp duy trì sự thành công của mình trong gần một thế kỷ như Irving Kahn thì ngay cả Warren Buffett cũng chưa thể sánh kịp.

Những điển cố trong lịch sử

Sống lâu có lẽ không phải là một đề tài hấp dẫn nhưng điều thú vị là nó thường gắn liền với những nhân vật quan trọng trong lịch sử, đặc biệt là những thời kỳ chiến tranh loạn lạc.

Tokugawa Ieyasu - Muốn đánh bại đối thủ thì phải sống lâu hơn hắn. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất và đến nay vẫn được dạy cho học sinh ở Nhật Bản có nội dung như sau:

Nếu con chim cúc cu không hót, hãy giết nó.

Nếu con chim cúc cu không hót, hãy vuốt ve nó.

Nếu con chim cúc cu không hót, hãy đợi nó.

Bài thơ này đề cập đến tính cách của ba nhân vật góp công lớn trong việc thống nhất Nhật Bản. Oda Nobunaga nổi tiếng với sự dã man, khát máu trên chiến trường của mình. Ông là chủ đề của câu thứ nhất. Toyotomi Hideyoshi với tài tháo vát, khéo léo của mình chính là câu thứ hai. Cuối cùng, Tokugawa Ieyasu là câu thứ ba với tính chịu đựng, kiên nhẫn nổi tiếng.

Trong thời kỳ chiến quốc (Sengoku Jidai), Nhật Bản đã xuất hiện biết bao nhiêu là anh hùng hào kiệt như chiến thần Uesugi Kenshin, Takeda Shingen, quỷ vương Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi… Nhưng người đã thống nhất Nhật Bản và kết thúc thời kỳ này lại chính là Tokugawa Ieyasu. Ông không hẳn là người nổi bật nhất hay tài năng nhất nhưng lại là người sống lâu nhất.

Tôn chỉ hành động của Tokugawa Ieyasu là nếu đã làm tất cả mọi việc mà vẫn không thể đánh bại được đối thủ (thường là do hắn quá giỏi, quá thiện chiến hoặc có điều kiện quá tốt) thì hãy cố gắng sống thật lâu và chờ hắn chết đi! Phương pháp này rõ ràng không được thú vị cho lắm nhưng có vẻ lại phát huy hiệu quả rất to lớn trong nhiều trường hợp khó khăn.

song lau cung la bi quyet dau tu

Tư Mã Ý - Người sống sót cuối cùng. Nếu ví dụ trên đây vẫn chưa thuyết phục được bạn thì người viết xin đưa một ví dụ khác ở Trung Quốc. Nếu bạn từng đọc Tam Quốc Chí của Trần Thọ hay Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung thì đều ấn tượng với các nhân vật như Lữ Bố, Quách Gia, Tuân Úc, Quan Vân Trường, Bàng Thống, Khổng Minh… Nhưng các nhân vật phong vân này hình như đều có “thói quen” chết sớm hoặc ra đi ngay vào lúc nước sôi lửa bỏng!

Tư Mã Ý có vẻ là nhân vật ít gây chú ý nhất trong số các anh hùng thời Tam quốc. Ông tham gia nội chính, bày mưu hiến kế nhưng không được đánh giá cao như Quách Gia, Tuân Úc. Ông cầm quân đánh trận cũng không mấy khi có mưu sâu kế lạ khiến quỷ khốc thần sầu như Ngọa Long Khổng Minh hay Phượng Sồ Bàng Thống.

Nhắc đến ông, trên một số diễn đàn người ta còn bảo: “Tay này thì tài cán gì đâu, chẳng qua sống lâu quá nên hưởng lợi. Anh hùng hào kiệt, long phượng hổ báo chết cả rồi thì gà chó lên ngôi”. Mà phải công nhận Tư Mã Ý sống lâu thật. Theo phò Tào Tháo nhiều năm thì Tào Tháo chết. Con Tào Tháo là Tào Phi lên ngôi thì Tư Mã Ý lại tiếp tục đi theo Tào Phi. Đến khi Tào Phi chết, Tào Duệ lên thì Tư Mã Ý vẫn khỏe mạnh, cầm quân đi đánh trận đều đều! Thậm chí đến khi Tào Duệ băng hà, Tào Phương lên thì Ý vẫn còn đủ sức thống lĩnh quân đội làm cuộc đảo chính triệt hạ bè phái Tào Sảng để chiếm quyền và tạo tiền đề cho việc lật đổ nhà Ngụy sau này.

Tư Mã Ý đánh không lại Khổng Minh. Không vấn đề gì! Cứ cố thủ chờ cho Khổng Minh đánh mãi, mệt quá rồi quy tiên là xong.

Xem ra cái gọi là huyền thoại quân sự, tài năng thao lược, xuất quỷ nhập thần cũng chỉ là những dòng chữ hoài niệm trong cuốn sách lịch sử nếu như chết quá sớm. Người sống sót cuối cùng như Tư Mã Ý và con cháu của ông mới là kẻ chiếm được quyền lực và thống nhất thiên hạ.

Sống lâu cũng là bí quyết đầu tư

Không rõ Warren Buffett có biết về Tư Mã Ý hay Tokugawa Ieyasu hay không nhưng có một điều chắc chắn rằng ông ấy hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của việc sống lâu. Ông từng nói về 3 yếu tố làm nên thành công của mình như sau: “Thứ nhất, nước Mỹ có những cơ hội tuyệt vời. Thứ hai, tôi sống lâu. Thứ ba, đó là lãi kép”.

Vấn đề nước Mỹ là miền đất hứa cho làm giàu và lãi kép có tác dụng như thế nào thì đã được đề cập khá nhiều bởi sách vở, báo chí. Vậy còn yếu tố sống lâu? Có lẽ Warren Buffett lấy cảm hứng từ Irving Kahn, người đàn anh mà thời gian tham gia đầu tư còn lâu hơn cả tuổi đời của Warren Buffett.

Học hành bài bản là nền tảng thành công. Irving Kahn nghiên cứu và tập tành đầu tư từ khoảng năm ông 20 tuổi. Ông cũng bắt đầu làm việc ở Wall Street với vị trí chuyên viên phân tích cổ phiếu năm 1928 khi ông 23 tuổi.

Ngoài ra, ông là một trong những người có chứng chỉ CFA đầu tiên trên thế giới vào năm 1963. Ông cũng được xem là thành viên sáng lập của hiệp hội CFA và nhiều lần được tổ chức này vinh danh.

Irving Kahn cũng từng là trợ giảng cho Benjamin Graham (cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị và là thầy của Warren Buffett) tại trường Đại học Columbia.

Không cầu thắng lớn, chỉ cầu không bại. Irving Kahn không phải là dạng nhà đầu tư khiến cho bạn cảm thấy thán phục, ấn tượng hay bị thu hút nhưng ông ấy tạo cho bạn sự yên tâm gần như tuyệt đối.

Ông chỉ mua các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Điểm đặc biệt là các cổ phiếu ông chọn thường thuộc các ngành nghề không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của chu kỳ kinh tế.

Trong cuộc đại khủng hoảng giai đoạn 1929-1933 ở Mỹ, tên tuổi ông đã bắt đầu được Wall Street chú ý nhờ việc danh mục đầu tư của ông vẫn tăng trưởng bất chấp khủng hoảng.

Tỷ suất sinh lời trung bình của các quỹ ông quản lý khá thấp nếu so với các huyền thoại đầu tư khác như Warren Buffett, Peter Lynch, George Soros, Mark Mobius… nhưng bù lại ông hầu như không thua và duy trì được trạng thái bất bại trong một thời gian dài khủng khiếp!

song lau cung la bi quyet dau tu

Nguồn: Business Insider

Sống lâu là nền tảng để lãi kép phát huy tác dụng. Warren Buffett năm nay 88 tuổi và được coi là một trong những nhà đầu tư lớn tuổi nhất còn sống. Tuy nhiên, tuổi đời của Warren Buffett còn chưa bằng tuổi nghề của Irving Kahn khi mà ông đã tham gia đầu tư trên thị trường tài chính trong 90 năm!

Irving Kahn cho rằng danh mục đầu tư giống như vườn cây ăn trái. Sẽ rất vô lý khi kỳ vọng rằng tất cả các cây trong vườn đều cho thu hoạch đều đặn mỗi năm. Nhiều khi phải chờ đợi 3-5 năm hoặc lâu hơn nữa để có thành quả.

Nhiều người nhận xét nếu Irving Kahn chết năm 50 tuổi thì sẽ chẳng ai biết đến ông. Vì với tỷ suất sinh lời tầm 12%-18%/năm thì ở Wall Sreet có rất nhiều người đạt được. Tuy nhiên, do ông sống đến 109 tuổi mới mất nên Irving Kahn đã bước vào ngôi đền của các huyền thoại. Chìa khóa ở đây chính là yếu tố thời gian trong tính lãi kép.

Một sự thực hiển nhiên là lãi kép cần có thời gian để phát huy tác dụng của nó. Thông thường trong khoảng 10-15 năm đầu tiên với tỷ suất sinh lời khoảng 15%-20% thì chúng ta chưa thấy số tiền đầu tư của mình tăng lên quá nhiều. Nhưng nếu duy trì được đến năm thứ 40 trở đi thì thành quả sẽ vô cùng ấn tượng. Còn nếu bạn sống trên 100 tuổi như Irving Kahn thì số tiền sẽ lớn khủng khiếp.

Nếu không sống lâu thì khó mà tạo được sự nghiệp hiển hách, lại càng khó trở thành huyền thoại. Vì vậy, ngay từ bây giờ các nhà đầu tư hãy bắt đầu tập thể dục và chăm lo cho sức khỏe của mình đi nhé!

Thế Phong