|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sóng gió chưa ngưng tại Chứng khoán Saigonbank Berjaya hậu đổi chủ

08:07 | 18/11/2023
Chia sẻ
Quyết định thâu tóm Chứng khoán Saigonbank Berjaya của bà Nguyễn Thị Hương Giang sẽ khép kín hệ sinh thái đầu tư, chứng khoán, tư vấn quản lý tài sản cùng với Kim Ngưu, Tititada. Tuy nhiên, mâu thuẫn dường như xảy ra giữa nhóm cổ đông cũ - mới trong cuộc họp bất thường mới đây.

Cổ đông mới là người quen trong giới tài chính

Chứng khoán Saigonbank Berjaya được thành lập bởi Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và một số cổ đông vào năm 2008. Trong đó, Tập đoàn Berjaya nắm giữ 49% thông qua Inter Pacific Securities Sdn Bhd.

Không riêng Saigonbank Berjaya, tìm kiếm hợp tác với những tập đoàn nước ngoài để mở mới công ty chứng khoán hoặc bán vốn là xu hương những năm 2007 – 2010 và kéo dài sau đó trong giai đoạn cơ cấu lại ngành chứng khoán.

Berjaya đặt chân đến Việt Nam không lâu sau khi nước ta gia nhập WTO. Tập đoàn hàng đầu Malaysia đầu tư vào chứng khoán, Quản lý Quỹ Thép Việt, các dự án bất động sản tỷ USD tại TP HCM (Khu đô thị Đại học quốc tế) và khách sạn hạng sang như Sheraton Hà Nội, Berjaya Long Beach Phú Quốc, Intercontinental Hanoi.

Năm 2016, giới đầu tư chú ý thương vụ tập đoàn này hợp tác đầu tư với Vietlott trong thời hạn 18 năm.

Với tiềm lực của đối tác ngoại, Chứng khoán Saigonbank Berjaya với vốn điều lệ 300 tỷ đồng năm 2008 đã tạo vị thế trong ngành thời điểm đó. Song, bước ngoặt đến với công ty khi mang 210 tỷ đồng gửi tại VietinBank năm 2011 và bị “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Đứng trước khả năng mất trắng 70% vốn điều lệ, bà Yei Pheck Joo, Giám đốc điều hành Saigonbank Berjaya từng chia sẻ với Reuters “đau lòng và không nói lên lời” sau phán quyết.

Việc thành lập đúng năm chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh 2008, cú lao dốc sau đó cộng với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như khiến tình hình kinh doanh của Saigonbank Berjaya trượt dài. Công ty liên tục báo lỗ, ngay cả trong giai đoạn thị trường diễn biến thuận lợi. Không chỉ gặp vấn đề về tài chính, Saigonbank Berjaya còn bị đình chỉ hoạt động tự doanh, xử phạt liên quan đến hoạt động margin.

Tính đến ngày 30/6/2023, tức trước thời điểm đổi chủ, lỗ lũy kế của công ty chứng khoán này là 266 tỷ đồng, tiệm cận số vốn 300 tỷ đồng.

Cũng giống như công ty chứng khoán yếu kém khác trên thị trường, Saigonbank Berjaya vào tầm ngắm của tổ chức muốn M&A. Tháng 7 năm nay, người mua xuất hiện.

Ông Nguyễn Hoài Nam và hoa hậu Thu Hương. Ảnh: NVCC.

Những cổ đông lớn, người nội bộ chuyển nhượng lượng vốn lớn cho đối tác, gồm có Inter Pacific Securities Sdn Bhd (chuyển nhượng 35,67%), ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (6,81%) và ông Phương Anh Phát, thành viên Ban Kiểm soát (4,55%).

Ông Nguyễn Hoài Nam giữ ghế chủ tịch của Saigonbank Berjaya từ khi thành lập. Ông Nam từng là CEO của Berjaya Việt Nam, còn được biết đến là chồng của hoa hậu Thu Hương và có niềm đam mê bóng đá. Truyền thông đưa tin ông Nam từng tranh cử ghế Phó Chủ tịch Tài chính và Tài trợ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cuối năm 2018 và tham vọng đưa bóng đá Việt Nam tới sân chơi World Cup.

Sau khoảng 15 năm gắn bó, ông Nguyễn Hoài Nam có đơn xin từ nhiệm Chủ tịch Saigonbank Berjaya ít ngày sau khi chuyển nhượng cổ phần. Hai lãnh đạo khác cũng rút khỏi Ban kiểm soát là ông Phương Anh Phát và ông Tan Mun Choy.

Bên bán và mua vốn Saigonbank Berjaya so kè về khả năng làm tài chính “người tám lạng, kẻ nửa cân”. Người thâu tóm lượng lớn cổ phần có kinh nghiệm trong giới chứng khoán, ngân hàng đầu tư (IB) – bà Nguyễn Thị Hương Giang.

Thông tin cá nhân, bà Giang sinh năm 1983, từng làm Giám đốc khối cổ phiếu niêm yết của VinaCapital (2006 – 2013), Giám đốc Khối tư vấn doanh nghiệp Chứng khoán SSI (2014 – 2019), Phó Tổng Giám đốc Ban đầu tư Sovico Group (2019 – 2021).

Hiện nữ doanh nhân 8x còn là Chủ tịch Kim Ngưu Việt Nam và một số công ty, Giám đốc khối điều hành công ty quản lý ứng dụng đầu tư tài chính Tititada (viết tắt: Tích tiểu thành đại). Tititada được giới thiệu là cho phép người dùng đầu tư vào cổ phiếu lẻ, từng được Golden Gate Ventures rót vốn 1,5 triệu USD.

Quyết định thâu tóm Chứng khoán Saigonbank Berjaya của bà Giang sẽ khép kín hệ sinh thái đầu tư, chứng khoán, tư vấn quản lý tài sản cùng với Kim Ngưu, Tititada. Đây là cách mà Finhay đã ghép đôi với Chứng khoán Vina hay Momo với Chứng khoán CV.

Sau loạt giao dịch chuyển nhượng, cơ cấu cổ đông lớn của Chứng khoán Saigonbank Berjaya tại ngày 30/9 gồm bà Nguyễn Thị Hương Giang (40,22%), Inter Pacific Securities (13,33%), Kỳ Hòa (13,33%), SaigonBank (11%) và bà Đinh Thị Thu Trang (6,81%).

 Cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Saigonbank Berjaya tại ngày 30/9/2023. Nguồn: LH.

Mâu thuẫn giữ nhóm cổ đông mới - cũ về sửa điều lệ công ty

Sau khi ông Nguyễn Hoài Nam rời đi, bà Nguyễn Thị Hương Giang chính thức lộ diện tại Chứng khoán Saigonbank Berjaya khi ứng cử thành viên hội đồng quản trị tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày hôm qua (17/11).

Cùng với bà Giang, hai ứng viên 9x khác đang làm việc tại Kim Ngưu cũng ứng cử thành viên Ban kiểm soát là ông Trần Duy Long (sinh năm 1994) và bà Nguyễn Hoàng Khánh Vy (sinh năm 1998).

Tại đại hội cổ đông bất thường, biên bản cuộc họp báo cáo có 14 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 28 triệu cp, tương ứng 93,75% vốn của công ty.

Tuy nhiên, ý kiến trái chiều xuất hiện ngay từ khi biểu quyết thông qua chương trình, khi cổ đông nắm giữ 30,26% cổ phần biểu quyết dự họp bỏ phiếu không tán thành. Nguyên nhân cốt lõi đến từ việc sửa đổi bổ sung điều lệ của công ty.

Ông Phạm Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Quản trị, cho biết cuộc họp hội đồng quản trị ngày 3/10 thống nhất tổ chức đại hội bất thường miễn nhiệm 1 thành viên Hội đồng Quản trị và 2 thành viên Ban Kiểm soát, không đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung điều lệ.

“Việc sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại điều lệ SBBS, Hội đồng quản trị đã có nhiều phiên họp nhưng chưa thống nhất thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể”, biên bản nêu phát biểu của ông Phạm Hoài Nam.

Chia sẻ thêm, ông Nam lập luận để đảm bảo sự công bằng đối với mọi cổ đông, đại hội chỉ biểu quyết thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung điều lệ. Việc sửa đổi các nội dung chi tiết sẽ giao Hội đồng Quản trị xem xét, thẩm định kỹ và trình đại hội quyết định.

Ông Phạm Trí Hiếu, một thành viên hội đồng quản trị khác đồng tình với quan điểm của ông Phạm Hoài Nam.

 Bà Nguyễn Thị Hương Giang. Ảnh: Anh Hoa.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang cho biết việc sửa đổi dựa trên quy định hiện hành và đã gửi cho Ban tổ chức 2 tuần theo đúng quy định. Ông Kuok Wee Kiat, đại diện ủy quyền của cổ đông Inter Pacific Securities đồng ý với bà Giang.

Tuy có ý kiến không tán thành, đại hội vẫn được tiến hành do đủ điều kiện.

Trong những phần sau đó, nội dung miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát được bỏ phiếu tán thành 100%. Phần bầu cử, bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Trần Duy Long và bà Nguyễn Hoàng Khánh Vy có cùng tỷ lệ trúng cử là 69,53%. Nhóm cổ đông không tán thành nội dung cuộc họp đã không bầu cho bà Nguyễn Thị Hương Giang và hai cá nhân 9x vừa nêu.

Biên bản hé lộ một trong số cổ đông đi ngược là Công ty Kỳ Hòa. Với việc Kỳ Hòa là cổ đông lớn của Saigonbank, khả năng ngân hàng nằm ở phe đối lập với bà Nguyễn Thị Hương Giang có thể xảy ra.

Kết thúc đại hội, mục đích của nhóm cổ đông đại diện là bà Nguyễn Thị Hương Giang vẫn đạt được khi những nội dung đều được thông qua, cho thấy họ đã kiểm soát được tình thế tại Chứng khoán Saigonbank Berjaya. Tuy nhiên, việc song hành với nhóm cổ đông đối lập trong khi công ty chứng khoán này còn nhiều việc phải làm để cơ cấu lại cho thấy sóng gió có thể vẫn chưa ngưng với bà chủ 8x.

Lợi Hoàng