'Sóng' doanh nghiệp về dược phẩm, y tế lên HOSE, UPCoM trong tuần mới
Trong tuần này, gần 100 triệu cổ phiếu của các doanh nghiệp sẽ chào sàn trên cả HOSE và UPCoM.
Ngày 15/6, hơn 52 triệu cổ phiếu của Bidiphar chính thức niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 48.000 đồng/cp |
CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định niêm yết trên HOSE
Ngày 15/6, khoảng 52,4 triệu cp DBD của CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá giá tham chiếu 48.000 đồng/cp.
Bidiphar được thành lập từ năm 2010, hoạt động trong lĩnh vực chính là dược phẩm và trang thiết bị y tế. Công ty có cổ đông lớn duy nhất là Quỹ Đầu tư và Phát triển Bình Định nắm giữ 13,34% vốn cổ phần.
Năm 2018, Bidiphar xây dựng kế hoạch kinh doanh 1.584 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó riêng doanh thu từ dược phẩm ước đạt 1.433 tỷ đồng, chiếm 90% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 169 tỷ đồng, cổ tức tỷ lệ 15%. Quý I/2018, doanh thu đạt 361 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, tương đương cùng kì năm ngoái.
Tính đến 31/12/2017, công ty có tổng tài sản là 1.544 tỷ đồng, xếp thứ 3, sau Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) và Dược Hậu Giang (Mã: DHG). Vốn điều lệ của công ty là 523,8 tỷ đồng, xếp sau Dược Hậu Giang.
CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định. Ảnh minh họa. |
Gần 47 triệu cổ phiếu sẽ giao dịch lần đầu trên UPCoM
CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1)
Gần 21 triệu cổ phiếu của công ty dược khác, CT Dược phẩm Trung ương CPC1 sẽ giao dịch trên UPCoM vào ngày 12/6 với giá 10.600 đồng/cp.
CPC1 tiền thân là đơn vị trực thuộc Bộ Nội thương thành lập năm 1945 với tên gọi Công ty thuốc Nam – Bắc. Năm 2016, công ty chuyển đồi thành CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1.
Ba cổ đông lớn nắm giữ gần 85,5% vốn điều lệ, trong đó Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (65,41%), CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội (14,3%) và ông Nguyễn Doãn Liêm, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (5,77%).
Hiện CPC1 phân phối một số sản phẩm như Vitamin B Complex, Tazam 1g, Morphini Spinal 0,1%... trên hệ thống gồm hai cơ sở bán buôn tại Hà Nội và 6 chi nhánh tại các tỉnh/thành phố như Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Gia Lai, TP HCM.
Năm 2018, CPC1 đặt doanh thu 2.600 tỷ đồng, tăng 8,79% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng, tăng 4%. Cổ tức dự kiến 12% bằng tiền mặt.
CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt (Mã: ABR)
Ngày 12/6, 3 triệu cổ phiếu ABR của CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt giao dịch lần đầu trên UPCoM với giá 10.500 đồng/cp.
Công ty thành lập năm 2012, sau hai lần tăng vốn bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ hiện nay là 30 tỷ đồng. Hiện có 6 cổ đông lớn nẵm giữ 76,33% vốn cổ phần Nhãn hiệu Việt, cụ thể 5 cổ đông sáng lập Trần Thanh Dũng (5%), Trương Thị Vân (12,73%), Huỳnh Thị Thái (19,37%), Phạm Hải Thủy (19,89%), Phạm Hải Sơn (13,34%) và Công ty TNHH Cà Phê Đất Cao Nguyên (6%).
Công ty đang sở hữu một số thương hiệu về giày da nam, cà phê, đồ lót nam… Năm 2018, doanh thu thuần dự kiến 32 tỷ đồng, tăng 12,34 so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 1,5 tỷ đồng, giảm 2%. Tỷ lệ trả cổ tức dự kiến 5%. Tính đến 31/21/2017, tổng tài sản của Nhãn hiệu Việt là 38,6 tỷ đồng.
CTCP Bông Bạch Tuyết (Mã: BBT)
Ngày 13/6, hơn 6,8 triệu cổ phiếu BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong phiên đầu tiên 2.300 đồng/cp.
Công ty tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960 chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Bông Bạch Tuyết từng niêm yết trên HOSE vào ngày 15/3/2004 với giá 21.600 đồng/cp và trở thành công ty thứ 23 niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam khi đó.
Giai đoạn 2005 – 2008, công ty liên tục làm ăn thua lỗ, xung đột nội bộ dẫn đến việc ngừng sản xuất tháng 7/2008 và hủy niêm yết vào tháng 8/2009. Cụ thể, công ty lỗ lần lượt 8,5 và 6,8 tỷ đồng trong hai năm 2006, 2007. Sau giai đoạn tái cơ cấu, từ năm 2014 đến nay, công ty bắt đầu có lãi trở lại.
Năm 2018, Bông Bạch Tuyết mục tiêu doanh thu thuần 106,2 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng, tăng 4%. Công ty không chia cổ tức do vẫn còn lỗ lũy kế 62 tỷ đồng. Quý I/2018, công ty đạt doanh thu 21,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3,4 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (Mã: PXA)
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 15 triệu cổ phiếu PXA của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (Mã: PXA) lên UPCoM vào 13/6 với mức giá 600 đồng/cp, giá trị vốn hóa thị trường là 9 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 5/6, cổ phiếu PXA bị hủy niêm yết trên HNX do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017. Cụ thể, Dầu khí Nghệ An lỗ lũy kế gần 151,7 tỷ đồng tính tời thời điểm này trong khi vốn góp chủ sở hữu là 150 tỷ đồng.
Quý I/2018, Dầu khí Nghệ An lỗ gần 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng. Qua đó, mức lỗ lũy kế tính đến hết tháng 3/2018 lên hơn 154 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1,1 tỷ đồng.
Công ty đang có các dự án Resort Cửa Lò, Khu đô thị Vinh Tân và Dự án khu nhà ở Hưng Lộc. Nhưng, từ đầu năm 2018 đến nay, các dự án này gần như không được thực hiện.
Thay toàn bộ cổ đông sáng lập, công ty phân phối thịt bò Úc sẽ giao dịch trên UPCoM
Hơn 1,3 triệu cổ phiếu CEN của CTCP CENCON Việt Nam sẽ giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 15/6 với giá tham chiếu 10.400 đồng/cp. CENCON được thành lập năm 2015, hoạt động kinh doanh thương mại (sản phẩm đông lạnh, thiết bị vật tư y tế). Hiện, công ty đang phân phối các sản phẩm như thịt bò Úc, thịt cá hồi, cá ngừ, thịt gà…
Tính đến 31/12/2017, công ty có vốn điều lệ là 13,1 tỷ đồng, trong đó có ba cá nhân cổ đông lớn nắm giữ 22,91% vốn cổ phần. Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Thành (9,17%), ông Triệu Tiến Duẩn (6,87%) và bà Mạc Thị Hoa (6,87%). Đáng chú ý, ba cổ đông lớn này là đối tác nhận chuyển nhượng từ cổ đông sáng lập là Vũ Thái, Đỗ Xuân Long và Lương Thị Lệ Hiền vào tháng 10/2017.
Năm 2018, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ 23 lần lên 299 tỷ đồng để mở rộng trồng rừng, nông sản và dược liệu ở Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu với mục tiêu 10.000 ha.
Kế hoạch doanh thu thuần 160 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 15,2 tỷ đồng, tăng 26 lần so với năm 2017. Cổ tức dự kiến 5%.
Xem thêm |