|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sông Đà 1.01 sau khi ca sĩ Khánh Phương và bà chủ Sông Đà Nhật Nam thâu tóm: Nhiều vấn đề tồn đọng, lãnh đạo mới tố và đề nghị điều tra vi phạm dàn lãnh đạo cũ

15:20 | 30/06/2023
Chia sẻ
Thông tin ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) bị UBCKNN xử phạt liên quan việc mua lượng lớn cổ phần tại Sông Đà 1.01 thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Cùng thời điểm đó, Sông Đà 1.01 thông báo không thể tiến hành đại hội do sự vắng mặt của nhiều cổ đông lớn.

Ca sĩ Khánh Phương mất quyền biểu quyết, cổ đông lớn không dự họp, Sông Đà 1.01 đại hội bất thành

Liên quan đến vi phạm trong giao dịch chứng khoán của ca sĩ Khánh Phương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phạt 245 triệu đồng cổ đông lớn này với các hành vi không chào mua công khai theo quy định, không báo cáo giao dịch khi là cổ đông lớn, không báo cáo giao dịch khi có thay đổi vượt ngưỡng 1%.

Chia sẻ trên tờ Tiền Phong, ông Phương nói, "tôi không mua bán chui hay cố tình gian lận cổ phiếu. Tôi biết mình có lỗi vì bộ phận pháp chế có làm thủ tục đăng ký chào mua công khai nhưng chậm trễ. Trước giờ tôi chỉ mua bán cổ phiếu, thủ tục pháp lý do bên pháp chế thực hiện".

Thông tin thêm, nhà đầu tư này cho biết sơ suất trong việc thu mua công ty do giải quyết nhiều việc, bận rộn. “Chúng tôi đang làm báo cáo giải trình với thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cung cấp các giấy tờ chứng minh chậm trễ, không gian lận", ông Khánh Phương nói.

Ngoài bị phạt tiền, ông Phạm Khánh Phương còn bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có hiệu lực tại ngày ký 26/6. Khả năng biện pháp khắc phục như vừa nêu một trong những nguyên nhân khiến đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Sông Đà 1.01 không thể tiến hành vào ngày 28/6.

Theo biên bản kiểm tra tư cách cổ đông của Sông Đà 1.01, tại ngày chốt danh sách tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, công ty có 421 cổ đông. Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều ngày 28/6, chỉ có 4 cổ đông sở hữu và đại diện cho 10,56% số cổ phần có quyền biểu quyết của Sông Đà 1.01 (2 cổ đông có giấy ủy quyền). Đại hội không thể tiến hành do thấp hơn mức tối thiểu quy định là 51%.

 Cơ cấu cổ đông của Sông Đà 1.01. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Sự ảnh hưởng của bà Vũ Thị Thúy, Sông Đà Nhật Nam tại Sông Đà 1.01

Trước thời điểm chốt quyền tham gia đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Sông Đà 1.01 có 4 cổ đông lớn trong đó ông Phạm Khánh Phương nắm giữ nhiều nhất (24,26%). Ngoài ra còn có CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (10,18%), CTCP Đầu tư Nam Nhật Khang (14,69%) và ông Nguyễn Thanh Hải (10,42%).

Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam và Đầu tư Nam Nhật Khang trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 cùng trong ngày 31/3. Cùng thời điểm đó, bà Vũ Thị Thúy bán gần như toàn bộ cổ phần. Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu SJC khớp lệnh tập trung hàng triệu đơn vị ở mức giá 4.400 đồng/cp. Đây có thể là giao dịch trao tay của các bên.

Với cổ đông Nguyễn Thanh Hải, cá nhân ngày mua thêm 33.600 cp ngày 13/1, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,42%.

Sau thời điểm Sông Đà 1.01 chốt quyền tổ chức đại hội, ông Lê Hà Phương, Giám đốc của công ty đăng ký mua 1,6 triệu cp trong khoảng thời gian từ ngày 26/5 đến ngày 23/6. Trước giao dịch bà Phương nắm giữ 105.300 cp, tương đương 1,52% vốn Sông Đà 1.01. Cập nhật đến hết ngày 29/6, kết quả giao dịch chưa được công bố trên HNX hay trang thông tin của Sông Đà 1.01 nên chưa rõ vị lãnh đạo trên đã mua đủ số lượng hay chưa.

Trở lại với thông tin của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam, tổ chức này và Sông Đà 1.01 có cùng người đại diện là bà Vũ Thị Thúy. Bà Thúy hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sông Đà 1.01. Bà Vũ Thị Thúy mua vào 1.631.622 cổ phiếu SJC và trở thành cổ đông lớn của công ty vào ngày 25/11/2022. Cùng thời điểm đó ca sĩ Khánh Phương cũng bán ra lượng cổ phần tương ứng.

Bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983) được bầu làm chủ tịch của Sông Đà 1.01 từ ngày 31/12/2022. Theo biên bản họp hội đồng quản trị được lập ngày 31/12/2022, có 4/5 thành viên hội đồng quản trị dự họp gồm bà Vũ Thị Thúy, ông Phạm Khánh Phương, ông Trịnh Văn Tôn và ông Nguyễn Văn Đức. Ông Tạ Văn Trung, Thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc của công ty thời điểm đó không dự họp.

Còn với Đầu tư Nam Nhật Khang, công ty được thành lập ngày 29/9/2022, trụ sở tại Tòa nhà Vincom Center, Quận 1, TP HCM. Người đại diện của Đầu tư Nam Nhật Khang là ông Nguyễn Văn Đức sinh năm 1982, quê Hải Dương.

Thông tin trên giống với giới thiệu trong bản sơ yếu lý lịch ứng viên Hội đồng Quản trị của ông Nguyễn Văn Đức khi Sông Đà 1.01 tổ chức đại hội cổ đông bất thường tháng 12/2022. Cả ông Nguyễn Văn Đức, bà Vũ Thị Thúy đều không giới thiệu về tổ chức đang làm việc, mô tả “kinh doanh tự do”.

 Bà Vũ Thị Thúy. Ảnh: Nhật Nam.

Nhiều vấn đề tồn đọng tại Sông Đà 1.01, hội đồng quản trị đề nghị điều tra, xác minh

Đó là những thông tin về nhóm cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01, về phần nội tại của công ty, tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, Hội đồng Quản trị có tờ trình cổ đông thông qua việc xem xét trách nhiệm của Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc trước thời điểm 31/12/2022.

“Trong quá trình tiếp cận hồ sơ, tài liệu của công ty, quá trình nhận bàn giao một số giấy tờ, tài sản, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc phát hiện Ban lãnh đạo nhiệm kỳ tước (bao gồm Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc, Kế toán trưởng) đã có dấu hiệu thực hiện những hành vi không đúng quy định Điều lệ công ty, vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản, làm thất thoát tài sản dẫn đến thiệt hại cho công ty, cho cổ đông”, tờ trình nêu.

Theo đó, Hội đồng Quản trị trình đại hội xem xét thông qua việc xử ký ban lãnh đạo nhiệm kỳ trước, đề nghị cơ quan chức năng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và cơ quan quản lý) tiến hành điều tra, xác minh.

Cụ thể hơn, những vấn đề của Sông Đà 1.01 dưới thời ban lãnh đạo cũ (trước ngày 31/12/2022) được chỉ ra trong tờ trình gồm để xảy ra công nợ quá hạn, bán một căn chung cư cho nhiều khách hàng tại dự án Eco Green Tower – Số 1 Giáp Nhị (Hà Nội), không bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho nhân sự mới, không tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và nhiều vi phạm khác. Bên cạnh đó, công nợ tạm ứng cá nhân của ông Tạ Văn Trung, Thành viên Hội đồng Quản trị của công ty lên tới gần 44,6 tỷ đồng, cùng một số cá nhân khác.

Lợi Hoàng

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.