|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Soi' tiềm năng doanh nghiệp vật liệu xây dựng sắp niêm yết

08:41 | 29/06/2017
Chia sẻ
Công ty cổ phần Thép Mê Linh (MEL), Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng (NSH), Công ty cổ phần Create Capital (HVK), Công ty cổ phần Gạch Khang Minh (GKM) đã nộp hồ sơ niêm yết, dự kiến sẽ chào sàn HNX trong thời gian tới.
soi tiem nang doanh nghiep vat lieu xay dung sap niem yet
Nhiều doanh nghiệp gạch đang rục rịch kế hoạch niêm yết

GKM: nhà sản xuất gạch không nung

GKM có hoạt động chính là sản xuất gạch không nung, nhà máy của Công ty đóng tại tỉnh Hà Nam, có diện tích 40.000 m2. Với 6 dây chuyền sản xuất, nhà máy này hiện đạt công suất 195 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm.

GKM sản xuất 35 mẫu gạch các loại, chủ yếu phân phối tại thị trường Hà Nội (95%) bằng hình thức bán trực tiếp cho các dự án và một phần nhỏ cung cấp cho các tỉnh lân cận Hà Nội (5%).

Được thành lập từ năm 2010, sau giai đoạn khó khăn ban đầu, 3 năm trở lại đây (2014 - 2016), sản lượng tiêu thụ gạch của GKM tăng nhanh, lần lượt đạt 46,45 triệu viên, 74,27 triệu viên và 125,17 triệu viên.

Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm . Năm 2016, GKM đạt doanh thu 124 tỷ đồng, tăng 37,1%, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2015 (13,1 tỷ đồng); tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 25,84% xuống 6%.

GKM cho biết, năm 2016, áp lực cạnh tranh trên thị trường khiến giá gạch giảm, trong khi các chi phí tăng cao, do đó lợi nhuận giảm mạnh. Quý I/2017, GKM đạt doanh thu 31,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,38 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu thời điểm cuối quý I là 55,45 tỷ đồng.

GKM hiện có vốn điều lệ 45 tỷ đồng, tương ứng 4,5 triệu cổ phần, được sở hữu bởi 118 cá nhân, trong đó cổ đông lớn duy nhất là Chủ tịch Đặng Việt Lê (nắm 33,33%).

NSH: công ty nhôm có quy mô hàng đầu

NSH được thành lập năm 1998 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng, đến năm 2004 thực hiện cổ phần hóa, hiện có vốn điều lệ hơn 206,9 tỷ đồng. Công ty có nhà máy đặt tại khu công nghiệp phía Nam thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tổng diện tích gần 7 ha.

Sản phẩm chủ đạo của NSH là nhôm thanh định hình phục vụ cho xây dựng, sản xuất công nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu. Năm 2016, Công ty đạt sản lượng 12.500 tấn nhôm thanh định hình, năm 2017 dự kiến đạt 14.000 tấn.

Trong 3 năm qua, NSH ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, trong đó năm 2015 đạt 1.149 tỷ đồng, năm 2016 đạt 1.204,6 tỷ đồng; lợi nhuận năm 2015 đạt 7 tỷ đồng, năm 2016 đạt 11,4 tỷ đồng (lợi nhuận trên mỗi cổ phần là 1.095,5 đồng).

Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của NSH ở mức thấp là do chi phí tài chính (chi phí lãi vay) tăng cao, “ăn mòn” lãi gộp. Thời điểm cuối năm 2016, Công ty có nợ phải trả 576,36 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 232,9 tỷ đồng, trong đó có 13,4 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Hội đồng quản trị NSH xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận 25 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 10% bằng tiền mặt.

HVK: đầu tư vào nhiều công ty gạch ngói, gốm sứ

HVK không có hoạt động sản xuất, mà chuyên đầu tư các công ty trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói, đất sét nung. Công ty đang nắm quyền tại 2 công ty con gồm: Công ty cổ phần Sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng Kontum (80%) và Công ty cổ phần Gạch ngói Vĩnh Phúc (63,9%).

Ngoài ra, KVK đầu tư vào Công ty cổ phần Gốm sứ HACECO (22,38%), Công ty cổ phần Gốm xây dựng Hoàng Phát 1 (47,78%)... Khoản đầu tư duy nhất của HVK không liên quan đến ngành xây dựng là việc góp 67,98% vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Simex Việt Nam (chế biến nông sản).

HVK được thành lập năm 2010, vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, hiện có vốn thực góp 150 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, Công ty phát triển theo hướng trở thành một mô hình “sở hữu tài sản” với chức năng tập trung đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói đất sét nung (gạch ngói bằng công nghệ lò Tuynel) thông qua mua bán - sáp nhập các doanh nghiệp, nhà máy, nhà xưởng phân bố ở miền Trung và miền Bắc. Ngoài ra, Công ty đầu tư vào lĩnh vực thương mại hàng hóa như: xe ô tô đặc thù, sơn các loại.

Tính đến 31/3/2017, HVK có 46,6 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn; vốn chủ sở hữu 184,6 tỷ đồng, trong đó có 17,26 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phố; nợ phải trả 90,8 tỷ đồng.

Năm 2016, HVK đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 44 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 9 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận cổ đông Công ty mẹ là 8,27 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phần là 551,46 đồng (năm 2015 đạt doanh thu 42,4 tỷ đồng, lợi nhuận 8,5 tỷ đồng). Quý I/2017, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 22 tỷ đồng, lãi sau thuế 2,78 tỷ đồng.

MEL: thế mạnh là cắt xẻ thép cuộn

MEL được thành lập tháng 1/2003, hiện có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, diện tích nhà xưởng và kho là 20.000 m2 trên tổng diện tích 30.000 m2.

Công ty có chi nhánh tại Hải Phòng với diện tích đất 9.000 m2, trong đó diện tích nhà xưởng và kho hàng là 6.000 m2.

Hoạt động chính của MEL là gia công, sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm thép. Theo MEL, 2 mảng thế mạnh của Công ty là dịch vụ cắt xẻ thép cuộn và phân phối, bán buôn, bán lẻ thép (thép cuộn, phôi thép).

Nguyễn Gia