Soi tiềm lực Vietravel - công ty muốn 'nối gót' Bamboo Airways bay trên bầu trời Việt
Ngày 14/1, ít hôm trước khi hãng hàng không Bamboo Airways chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel chia sẻ dự định đầu tư hãng hàng không Vietravel Airlines, đặt trụ sở tại Huế.
Ông Kỳ cho biết, Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người và lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng đều hàng năm, thì 5 hãng hãng không như hiện tại là quá ít, hàng không vẫn là một thị trường đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - CEO Vietravel |
Sau sự kiện Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết được cấp phép bay, dường như các doanh nhân khác của Việt Nam cũng đang tự tin hơn với tham vọng bay của mình.
Hãng hàng không Malaysia – AirAsia bắt tay với Thiên Minh Group để thành lập một hãng bay giá rẻ, sau khi đã 3 lần thất bại ở Việt Nam trước đó. Trong khi, nguyện vọng bay của một hãng khác – Vietstar tiếp tục bị Thủ tướng khước từ.
Đang dần có càng nhiều doanh nghiệp tuyên bố muốn tham gia vào sân chơi hàng không, nhưng dấu hỏi về tiềm lực các doanh nghiệp này thế nào, có lẽ sẽ được nhiều người quan tâm.
Cái tên mới mẻ nhất, Vietravel là một doanh nghiệp máu mặt trong ngành du lịch; nhưng công ty này có gì đặc biệt?
Khởi nghiệp từ 7 nhân viên và tài sản một chiếc máy fax 6 triệu đồng
CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour, một bộ phận thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển GTVT (Tracodi).
Năm 1992, đơn vị này tách ra với 7 thành viên ban đầu cùng số vốn hơn 6 triệu đồng được quy đổi từ chiếc máy fax được tặng. Đứng đầu trung tâm khi đó là ông Nguyễn Quốc Kỳ trong cương vị Tổng giám đốc, Tracodi Tour khởi đầu với việc tổ chức cho du khách Nhật đến Việt Nam và thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh.
Cuối năm 1995, trung tâm Tracodi Tour chính thức phát triển thành doanh nghiệp độc lập, bắt đầu lấy tên Vietravel, trực thuộc Bộ GTVT.
Sau gần 20 năm phát triển và trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường, năm 2014 Vietravel chuyển sang mô hình công ty cổ phần, không còn vốn Nhà nước.
Năm 2015, Vietravel chính là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam thuê bao nguyên chuyến bay charter phục vụ khách du lịch.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh chính của Vietravel bao gồm kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế; thuộc top đầu đưa khách du lịch trong nước và người Việt Nam ra nước ngoài. Công ty cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến du lịch bao gồm cả đưa đón và bán vé máy bay…
Ngoài ra, Vietravel cũng đang cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động, đưa người Việt Nam đến các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel là ông Nguyễn Quốc Kỳ, người gắn bó với doanh nghiệp từ những ngày đầu và là một nhân vật có tiếng trong ngành du lịch.
Doanh thu tăng trưởng kép 20%/năm, cán mốc 6.000 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm 2018
BM tổng hợp |
Cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của khách du lịch tại Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận của Vietravel cũng đạt được mức tăng trưởng kép khoảng 20%/năm.
Trong năm 2017, Vietravel chạm mốc doanh thu 6.189 tỉ đồng, trong đó 87% đến từ mảng dịch vụ du lịch lữ hành; 5% đóng góp từ vé máy bay, 6% từ dịch vụ khác và 2% từ hoạt động bán hàng hóa.
Tuy có doanh thu hàng ngàn tỉ đồng và tăng trưởng đều đặn, nhưng lợi nhuận của Vietravel không nhiều.
Năm 2017, công ty đem về hơn 37 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 11% so với năm trước đó.
Đặc thù hoạt động kinh doanh du lịch là giá vốn chiếm tỉ trọng cao, năm 2017 giá vốn của Vietravel chiếm gần 94% doanh thu thuần. Hệ số lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần chỉ đạt 0,6%; tức 100 đồng doanh thu công ty thu về 6 đồng lợi nhuận.
9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của Vietravel đã vượt mốc 6.000 tỉ đồng, dự báo về một năm tiếp tục tăng trưởng ấn tượng; công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế 48,6 tỉ đồng - cũng là kỷ lục trong lịch sử.
Dấu hỏi về cơ cấu cổ đông và khoản phải thu tăng đột biến
Trong năm 2018, Vietravel tăng vốn từ 69 lên 126,4 tỉ đồng. Tính đến hết quý III cổ đông Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch và Lữ hành Quốc tế Sài Gòn nắm 16,22% vốn điều lệ; Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ sở hữu 9,07% vốn; còn lại 74,7% vốn thuộc về các cổ đông khác.
Tính đến ngày 30/9/2018, tổng giá trị tài sản của Vietravel đạt 1.340 tỉ đồng, trong đó giá trị tiền mặt và tiền gửi khoảng 165 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trên báo cáo tài chính cuối quí III của Vietravel xuất hiện khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng khác giá trị hơn 454 tỉ đồng, khoản mục này tăng gấp đôi với với đầu năm và không được thuyết minh cụ thể.
Báo cáo tài chính của Vietravel trong những năm trước đó cũng không nêu rõ, nhưng về giá trị thì tăng mạnh qua từng năm.
Ngoài ra, phải thu ngắn hạn khác cuối quí III/2018 cũng lên tới 191 tỉ đồng, tăng đáng kể so với các năm trước.
Bạch Mộc tổng hợp. |
Xem thêm |