Số thuê bao rời bỏ Vietnamobile chưa có dấu hiệu dừng lại
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn 1-21/9, 6 nhà mạng gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile, Gtel, Mobicast (mạng viễn thông ảo Reddi) ghi nhận 26.298 thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP).
Đáng chú ý, Vietnamobile tiếp tục là doanh nghiệp viễn thông dẫn đầu lượng thuê bao rời đi với 19.239 thuê bao đăng ký chuyển đi và chỉ 5 thuê bao xin chuyển đến. Tổng số thuê bao Vietnamobile đã hoàn thành dịch vụ MNP là 17.355 đơn vị, đạt tỷ lệ 97,2%.
Vinaphone là nhà mạng có số thuê bao đăng ký chuyển mạng nhiều thứ hai với 2.772 thuê bao đăng ký và 1.386 thuê bao đã hoàn tất thủ tục rời đi. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Vinaphone đón thêm 6.527 thuê bao đăng ký chuyển đến, tỷ lệ thành công đạt 98,4% với 4.435 thuê bao chuyển đến thành công.
Trong giai đoạn này, Viettel là đơn vị thu hút nhiều thuê bao chuyển đến nhất với 17.868 thuê bao đăng ký, với 14.029 thuê bao đã hoàn tất thủ tục, chiếm tỷ lệ 97,5%. Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng là nhà mạng chứng kiến lượng thuê bao chuyển đi nhỏ nhất so với thuê bao chuyển đến với 1.481 thuê bao đăng ký và chỉ có 420 đơn vị hoàn tất thủ tục rời đi.
Trong khi đó, so với 4 nhà mạng đầu tiên, biến động thuê bao của dịch vụ chuyển mạng giữ số từ hai doanh nghiệp viễn thông "tân binh" là Gtel và Mobicast không đáng kể.
Kể từ khi dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) được cung cấp, Vietnamobile liên tục "mất khách". Trong giai đoạn 16/11/2018 đến 21/9/2022, Vietnamobile chính thức chia tay 1.446.374 thuê bao, chiếm 89,8% tổng số thuê bao đăng ký chuyển đi của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel.
Cụ thể, tổng thuê bao chiều đi của 3 nhà mạng này là 1.609.077 đơn vị, chỉ nhỉnh hơn Vietnamobile 162.703 thuê bao.
Xuất hiện trên thị trường từ năm 2009, Vietnamobile là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Hồi cuối tháng 12/2021, Vietnamobile đã bổ nhiệm ông Raymond Ho vào vị trí CEO, khẳng định tiếp tục cạnh tranh tại Việt Nam bằng những gói cước rẻ.
Ông Raymond Ho được kỳ vọng tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng trên cả nền tảng bán hàng trực tiếp và bán hàng online cũng như thúc đẩy nhà mạng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ.
Người tiền nhiệm của ông Ho là bà Christina Hui đã nắm vị trí lãnh đạo Vietnamobile từ tháng 7/2019. Trước bà Hui, bà Elizabete Fong là người đảm nhận chức vụ CEO của Vietnamobile trong 7 năm liền.
Vietnamobile là nhà mạng thị phần đứng thứ 4 tại Việt Nam có tiền thân là HT-Mobile được cấp phép từ năm 2006 theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hanoi Telecom và Tập đoàn Hutchison (Hồng Kông). Đến năm 2009, nhà mạng này đổi tên thành Vietnamobile sau khi chuyển đổi công nghệ.