|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Số ca nhiễm vẫn tăng, học sinh Hà Nội chưa biết khi nào sẽ đi học trở lại

16:35 | 30/10/2021
Chia sẻ
Hà Nội mới ban hành 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống COVID-19 trong trường học, tuy nhiên kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vẫn chưa rõ.

Từ tháng 5, học sinh Hà Nội tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến do COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Từ đó đến nay, đã có hai lần, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học trở lại. Lần đầu vào hồi đầu tháng 7, tuy nhiên sau đó Hà Nội lại phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng nên UBND TP chưa xem xét đề xuất này.

Mới đây, vào 18/10, Sở GD-ĐT có văn bản đề xuất cho toàn bộ học sinh 18 huyện, thị ngoại thành và các khối 5, 6, 9, 10, 11 và 12 của 12 quận nội thành đi học trực tiếp từ 25/10. Nhưng do tình hình dịch bệnh ở một số nơi của Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn phức tạp, Sở xác định chưa phải thời điểm an toàn để đi học lại, nên đã rút đề xuất để xây dựng các phương án khác phù hợp với tình hình thực tế.

Số ca nhiễm vẫn tăng, học sinh Hà Nội chưa biết khi nào sẽ đi học trở lại - Ảnh 1.

Học sinh trường Tiểu học Thăng Long được rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường hồi đầu tháng 5/2020. (Ảnh: TTXVN).

Hiện, Hà Nội vẫn chưa công bố kế hoạch mở cửa trường học. Hôm qua TP công bố 16 tiêu chí đón học sinh trở lại. Trong đó đáng chú ý có bổ sung yêu cầu 100% giáo viên, nhân viên nhà trường được tiêm đủ hai mũi vắc xin ở tiêu chí số 8, trong phần "Trước khi đến trường". 

Ngoài ra, phần này còn yêu cầu các trường đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị; vệ sinh, khử trùng trường lớp; tập huấn giáo viên, nhân viên và xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, phương án xử trí các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại trường.

Phần nội dung thứ hai, "Khi học sinh đến trường", gồm 6 tiêu chí, là các hướng dẫn về tổ chức trường học, lớp học trong thời gian học sinh học tập và sinh hoạt tại trường; trong đó có các yêu cầu như đảm bảo giãn cách trong và ngoài lớp học, đeo khẩu trang trong thời gian ở trường,...

Hai tiêu chí cuối, nằm trong phần Khi học sinh kết thúc buổi học, yêu cầu học sinh, giáo viên tiếp tục duy trì giãn cách, đeo khẩu trang từ trường về nhà đồng thời đảm bảo toàn bộ học sinh mầm non, tiểu học được giao nhận đầy đủ.

Nếu chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá thực hiện chưa tốt, không an toàn và không được phép hoạt động.

Số ca nhiễm vẫn tăng, học sinh Hà Nội chưa biết khi nào sẽ đi học trở lại - Ảnh 2.

Số ca mới tại Hà Nội có xu hướng tăng trong một tuần gần đây.

Dù chưa rõ kế hoạch đi học trở lại của học sinh Hà Nội, nhưng việc ban hành hướng dẫn cụ thể như trên được cho là bước tiến mới để từ đó có cơ sở đề xuất cho học sinh trên địa bàn đến trường học tập trung.

Giữa bối cảnh vẫn ghi nhận các ca mắc mới, việc có cho học sinh đến trường hay vẫn học online cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh ủng hộ việc cho học sinh đi học trở lại vì Hà Nội gần như đã mở lại hết các hoạt động, tỷ lệ tiêm vắc xin cũng cao. Một số khác lại phản đối bởi cho rằng việc một lớp có hàng chục trẻ cùng học bán trú, ăn ngủ cùng nhau như vậy là quá rủi ro. 

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh dự đoán có thể sẽ phải chờ đến khi bao phủ đủ vắc xin cho học sinh mới cho đi học trở lại, giống như kinh nghiệm của một số nước đang tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ.

Hiện, các trường THCS-THPT tại Hà Nội đang lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi.

Hà Nội khẳng định, tỷ lệ tiêm vắc xin cho học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong trường học, đề nghị các trường nghiêm túc khảo sát. 

Về vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ 1-3 tuổi, bên hành lang họp Quốc hội ngày 25/10, Đại biểu Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng chưa nên tiêm cho trẻ ở độ tuổi này. 

Gần đây nhất, hôm 14/10, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho rằng Hà Nội nên tính đến chiến lược giáo dục và kế hoạch điều tiết lại đời sống tinh thần cho người dân để thích ứng tình hình mới, trong đó có việc xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường ở khu vực ngoại thành.

Trong khi đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, thành phố vẫn cần đánh giá, phân loại vùng để có phương án mở lại dần, đảm bảo nguyên tắc an toàn nhất cho học sinh.

Anh Đào

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.