Singapore sẽ sớm điều chỉnh các chương trình hoãn trả nợ của nước này
Singapore (Xin-ga-po) sẽ sớm điều chỉnh lại các kế hoạch và chương trình cho phép tạm hoãn chỉ trả nợ của nước này với việc các nhà quản lý đang tìm cách kéo dài các chương trình này cho một số người vay nhất định sau thời hạn 31/12/2020, trong khi vẫn đảm bảo những người có khả năng trả nợ sẽ bắt đầu thanh toán các khoản nợ ngay cả trước thời điểm đáo hạn.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương Singapore) trước đó cho biết một bộ phận doanh nghiệp chiếm khoảng 12% nền kinh tế Singapore đang ở "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các công ty, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất - đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực liên quan đến du lịch và các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng - dự kiến sẽ phải mất một thời gian để phục hồi.
Trong cuộc họp báo thường niên của MAS, quan chức MAS Ravi Menon cho biết một số ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh nhất định có thể bị “hư hỏng vĩnh viễn” do những yếu tố tác động dịch COVID-19 gây ra, trong đó có sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng và yếu tố nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngân hàng Maybank-Kim Eng trước đó ước tính rằng khoảng từ 12-16% tổng các khoản vay nợ hiện đang được đặt trong các chương trình hoãn trả nợ hoặc các chương trình cứu trợ khác do các ngân hàng tại Singapore đưa ra.
Theo dữ liệu từ MAS, tính đến cuối tháng 6/2020, đã có 3 ngân hàng tại Singapore được ước tính đã chấp thuận hoãn thanh toán nợ đối với các khoản thế chấp trị giá hơn 15 tỷ SGD (khoảng 10,9 tỷ USD).
Tính chung, tổng giá trị của các khoản vay thế chấp được chấp thuận chậm thanh toán tại Singapore vào cuối tháng 6/2020 đã chiếm gần 10% tổng số các khoản thế chấp vay nợ.
Nhìn chung, chi phí tài chính của Singapore để đối phó với đại dịch COVID-19 đã ở mức 93 tỷ SGD, mức lớn nhất trong lịch sử của nước này.