|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Singapore: Gói hỗ trợ tài chính thứ tư là bàn đạp cho nền kinh tế

06:52 | 02/06/2020
Chia sẻ
Singapore đang đối phó với ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng bằng việc tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình.

Theo bài phân tích trên báo The Straits Times, tính cả 33 tỷ SGD trong gói hỗ trợ tài chính thứ tư kể từ tháng Hai, cùng với ba gói hỗ trợ tài chính trước đó, Chính phủ Singapore cam kết khoản hỗ trợ trị giá 92,9 tỷ SGD (khoảng 65,5 tỷ USD) – chiếm gần 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này – để đối phó với những hậu quả của dịch COVID-19.

Để có được nguồn tiền cho gói hỗ trợ tài chính thứ tư này, Tổng thống Singapore Halimah Yacob đã nhất trí trên nguyên tắc rút thêm 31 tỷ SGD từ nguồn dự trữ quốc gia. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat, đây là gói cứu trợ vô cùng quan trọng, một phản ứng cần thiết trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Sự hỗ trợ tài chính này diễn ra trong bối cảnh có những dự đoán chính thức đầy ảm đạm rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức -4% đến -7% trong năm nay, mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi "đảo quốc sư tử" giành được độc lập vào năm 1965. 

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore ở mức 3,3% vào tháng Ba, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Gói hỗ trợ kinh tế thứ tư này có ý nghĩa đặc biệt về chính trị và kinh tế. Về chính trị, chính phủ hiện nay đang ở vị trí và thời điểm quan trọng để giải quyết các mối lo ngại về kinh tế, xã hội và y tế cũng như nhiều mối lo ngại khác của người dân Singapore trước khi thế hệ lãnh đạo hiện nay kết thúc nhiệm kỳ.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing đã phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg tuần trước rằng Quốc hội sẽ được giải tán vào tháng 1/2021 và đến tháng 4/2021 sẽ phải tiến hành bầu cử.

Về kinh tế, gói hỗ trợ này cho thấy rõ ràng không chỉ cách thức Singapore sẽ thoát khỏi giai đoạn phong tỏa kéo dài với những tác động về kinh tế như thế nào, mà còn cách thức chính phủ sẽ chuẩn bị cho các doanh nghiệp và người lao động trong tương lai ra sao.

Chính phủ Singapore phải nỗ lực tạo sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì sinh kế cho họ. Trong khi các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng cho đến nay đã góp phần giảm bớt số ca nhiễm mới và giảm bớt những tổn thất từ việc mất thu nhập, nhưng việc kéo dài thời gian hỗ trợ cũng khiến kinh tế rơi vào khó khăn.

Một số biện pháp quen thuộc đã được gia hạn. Kế hoạch hỗ trợ việc làm sẽ được kéo dài thêm 1 tháng đối với tất cả các công ty. Một số công ty được nhận 75% trợ cấp lương đến tháng Tám đối với người lao động có mức lương từ 4.600 SGD trở xuống.

Lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp không thể mở cửa trở lại vào ngày 2/6 sẽ được miễn giảm thuế thêm 2 tháng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sẽ được nhận hỗ trợ tiền mặt cho phí thuê mặt bằng trong 2 tháng. Ngoài ra mức hỗ trợ cho các lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng hơn như xây dựng và hàng không sẽ được tăng lên...

Đồng thời, việc định vị cho Singapore trong thế giới hậu COVID-19 cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vậy, gói hỗ trợ cũng chú trọng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, tạo công ăn việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Gần 100.000 cơ hội liên quan đến việc làm được dành cho người lao động, trong đó có 40.000 việc làm mới (15.000 việc làm trong lĩnh vực công), 25.000 cơ hội cho thực tập sinh và 30.000 cơ hội đào tạo kỹ năng.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nhanh những thay đổi về xã hội và kinh tế, như làm việc tại nhà, thương mại điện tử, khám bệnh từ xa và giáo dục trực tuyến… Tất cả những sự thay đổi này đã đem lại nhiều cơ hội mới cho người dân Singapore.

Gói hỗ trợ thứ tư này cũng chuẩn bị nền tảng để kinh tế Singapore có thể phát triển mạnh mẽ trong thế giới hậu COVID-19. Thế giới này sẽ rất khác. Hành vi ứng xử của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sẽ thay đổi theo nhiều cách thức.

Người tiêu dùng sẽ giao dịch trực tuyến nhiều hơn. Các công ty sẽ hoạt động trong môi trường ngày càng ít tiếp xúc trực tiếp. Nhiều dịch vụ kinh doanh, giáo dục, y tế và thậm chí cả vui chơi giải trí sẽ được cung cấp dựa trên nền tảng số.

Thương mại điện tử, thông tin liên lạc điện tử và thanh toán điện tử sẽ trở thành một phần của trạng thái bình thường mới. Nền kinh tế sẽ ngày càng được thúc đẩy bằng các nền tảng kỹ thuật số.

Trích dẫn nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey, Phó thủ tướng Heng Swee Keat đã công bố một thống kê gây kinh ngạc, đó là cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nhanh việc ứng dụng số trên toàn thế giới chỉ trong 8 tuần mà đáng lẽ phải mất 5 năm mới thực hiện được. Ở Singapore, 50.000 doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng PayNow cho thanh toán điện tử kể từ tháng Tư.

Gói tài chính thứ tư đã dành 500 triệu SGD để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Khoảng 250 triệu SGD để giúp các doanh nghiệp phát triển các giải pháp chuyển từ offline (ngoại tuyến) sang online (trực tuyến) nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới cả ở trong nước lẫn trên toàn cầu.

Lĩnh vực giáo dục trực tuyến sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn. Điều này có thể mở ra các thị trường mới.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 được coi như một cơ hội, gói ngân sách thứ tư này sẽ góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế số của Singapore. Nếu tình hình diễn biến thuận lợi, gói hỗ trợ này vừa góp phần giải quyết khó khăn về kinh tế vừa là bàn đạp cho đảo quốc sư tử này bước vào thế giới hậu COVID-19.

Có thể đây chưa phải là gói ngân sách hỗ trợ cuối cùng, nhưng tại thời điểm này, nó có thể là sự hỗ trợ kịp thời để giúp Singapore vượt qua được giai đoạn khó khăn./.

Nguyễn Thúy