'Siêu ủy ban' sẽ quản vốn nhà nước tốt hơn?
Gần 2 tháng kể từ khi chính thức ra mắt đến nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp (DN) - cơ quan được giới chuyên gia gọi là "siêu ủy ban" - đã hoàn thành việc tiếp nhận khối tài sản khổng lồ 2,3 triệu tỉ đồng của 19 tập đoàn, tổng công ty theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Nhẹ gánh dù giảm đặc quyền, đặc lợi
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại DN, ủy ban đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan có DN và các DN được chuyển giao để triển khai công việc "quy về một mối" theo quy định; không gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN. Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa 2 bên cũng được xác lập nhằm tiếp tục chỉ đạo và quản lý DN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2018.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết thực hiện yêu cầu chuyển giao, EVN đã làm việc với bộ phận chuyên môn của Ủy ban QLVNN tại DN về một số công việc liên quan đến công tác quản lý, giám sát DN. Trong đó, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý của ủy ban, như: Bộ chỉ số giám sát, đánh giá DN; thông tin sơ bộ về doanh thu, sản lượng điện thương phẩm, biểu đồ phụ tải...
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Ảnh: MINH CHIẾN |
"Tôi cho rằng việc thành lập Ủy ban QLVNN tại DN nhằm tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đồng thời, có thể bảo đảm sự thống nhất một đầu mối, chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước" - chủ tịch EVN đánh giá.
Một tập đoàn khác được chuyển giao về ủy ban cho hay DN mong bớt được nhiều "nghi lễ" cũng như các quy định hành chính rườm rà, đồng thời kỳ vọng ủy ban không lạm dụng quyền lực quá lớn để làm khó, tạo ra cơ chế xin - cho khiến DN vất vả.
Thực tế, sau khi chuyển giao về "siêu ủy ban", có thể hàng loạt đặc quyền, đặc lợi của DN sẽ bị xóa bỏ hoặc giảm bớt so với trước. Bản thân cơ quan chủ quản là bộ, ngành, địa phương cũng mất đi ít nhiều quyền lực và quyền lợi. Song, đây lại là điều kiện tốt để sàng lọc DN, trả lại môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho cộng đồng DN.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết xuất phát từ thực tế việc quản lý vốn nhà nước bị phân tán, không bảo đảm hiệu quả, việc ra đời Ủy ban QLVNN tại DN tập trung quyền chủ sở hữu vốn nhà nước cũng là tập trung nguồn lực của nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Bên cạnh đó, ủy ban quản lý đồng vốn của nhà nước cũng sẽ giúp nhà nước bảo đảm vị trí trung gian, khách quan trong điều hành kinh tế; tránh phân biệt đối xử với các thành phần DN. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước sẽ được giải phóng khỏi chức năng quản lý DN để tập trung tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước về mặt chuyên ngành.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Mặc dù đã hoàn thành việc chuyển giao trong thời gian ngắn nhưng theo lộ trình, đến hết năm 2019, Ủy ban QLVNN tại DN mới hoàn thiện toàn bộ bộ máy. Như thế, trong thời gian này, cả ủy ban lẫn các DN đều phải khéo léo phối hợp vận hành để bảo đảm hoạt động thông suốt và đúng luật.
Ông Dương Quang Thành đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa ủy ban với các cơ quản quản lý nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Bởi lẽ, hiện nay, vai trò của một số DN nhà nước không chỉ bảo đảm sản xuất - kinh doanh, thu lợi nhuận mà còn thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực. Ví dụ, EVN có nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh - quốc phòng của đất nước; thực hiện một số nhiệm vụ công ích.
"Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét kỹ việc chuyển giao không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ, hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và nhiệm vụ chính trị; tránh việc chồng chéo, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý các DN. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cũng như cách thức, lộ trình thực hiện trong giai đoạn quá độ" - Chủ tịch EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh.
Mặt khác, với sự ra đời của Ủy ban QLVNN tại DN, dù DN kỳ vọng được cởi trói khỏi vòng kiềm tỏa của bộ, ngành nhưng thực tế, hiệu quả có thể không được như mong chờ. Ông Phạm Đức Trung nhìn nhận tác động tích cực của việc chuyển giao vốn nhà nước về ủy ban đối với DN chỉ ở mức độ "vừa phải". "DN thuộc ủy ban hay thuộc bộ thì đều có cái "mũ" phía trên đầu, gọi là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cơ bản không có thay đổi gì lớn về việc này" - ông Trung giải thích.
Trách nhiệm giải trình của DN sẽ tăng thêm khi phải định kỳ báo cáo song song với Ủy ban QLVNN tại DN và bộ chủ quản về tình hình hoạt động, tài chính của DN. "Sau khi về ủy ban, mỗi khi tổ chức họp, hội thảo, hội nghị, DN phải đồng thời chuẩn bị 2 bài phát biểu cho 2 cơ quan, mời 2 bên đến dự bởi trách nhiệm, quy chế còn chưa rõ ràng. Như vậy, tạm thời việc sẽ tăng thêm" - một DN chia sẻ.
Trước cuộc chuyển giao lịch sử này, DN còn phải đối mặt với nguy cơ bị sàng lọc rất khốc liệt, dù việc này có lợi cho nền kinh tế nói chung. Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng DN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về kết quả và mục tiêu cuối cùng là hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, ông nhấn mạnh công tác quản lý cũng phải theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến đổi của thị trường, chấp nhận sự điều chỉnh, thích ứng linh hoạt.
"Nếu DN không thích ứng, điều chỉnh được với sự thay đổi của thị trường thì phải sắp xếp lại, thay đổi người quản lý đúng lúc, phù hợp khả năng. Phải lấy thước đo bảo toàn và phát triển vốn làm nguyên tắc, kim chỉ nam cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đánh giá công tác quản lý" - ông Hoàng Anh cảnh báo.
Ông HOÀNG TRƯỜNG GIANG, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế trung ương): Phải kiện toàn năng lực của "siêu ủy ban" Việc tiếp nhận 9/12 DN thua lỗ của ngành công thương phải xử lý dứt điểm trước năm 2020; 4/19 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ đang đặt ra cho Ủy ban QLVNN tại DN những thách thức không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh đội ngũ cán bộ của đơn vị chưa được kiện toàn. Do đó, Ủy ban QLVNN tại DN phải bổ sung đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, phẩm chất đạo đức đủ năng lực thực hiện ngay trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế đặc thù để ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước đối với DN nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng CIEM: "Áo" nhà nước, "linh hồn" doanh nghiệp Nếu coi Ủy ban QLVNN tại DN như một cơ quan quản lý nhà nước bình thường thì có lẽ không đạt mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Với ủy ban này, "cái áo" có thể là cơ quan nhà nước nhưng linh hồn của nó phải hoạt động như một DN. Dòng máu chảy trong đó phải là của DN, tư duy của nó cũng phải là tư duy của một DN hiện đại thì mới quản lý vừa chặt chẽ vừa linh hoạt nguồn vốn. Ủy ban QLVNN cần thực hiện chức năng như của một nhà đầu tư. Khi giao chỉ tiêu, cũng nên giao những chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao để DN phấn đấu, thậm chí có thể 30%-40% chứ không phải chỉ 1%-2%. TS PHẠM THẾ ANH (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Nghi ngờ hiệu quả Tôi nghi ngờ hiệu quả khi đặt vấn đề "siêu ủy ban" để tăng hiệu quả hoạt động của DN nhà nước. Thành lập ra một "siêu ủy ban" quản lý tiền nhưng đó không phải tiền của ủy ban thì rất dễ xảy ra trường hợp buông lỏng quản lý. Chưa kể đến, sẽ rất tốn kém nguồn lực để duy trì bộ máy hoạt động của ủy ban khi phải lập nhiều ban bệ, nhiều cán bộ, chuyên gia. Trong khi đó, không thể bảo đảm 100% thành viên ủy ban đã sẽ làm việc với tinh thần như quản lý, phát triển đồng tiền của bản thân họ. Với các công ty cổ phần, HĐQT sẽ giám sát, tìm ra một giám đốc điều hành tốt nhất để điều hành công ty bởi đó là tiền túi của họ, còn đối với ủy ban thì lại khác. Tôi cho rằng hiệu quả của "siêu ủy ban" trước mắt chỉ là công cụ để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. |