|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Siêu ủy ban: Kỳ vọng và áp lực

14:41 | 08/09/2018
Chia sẻ
Cho đến thời điểm này, dự kiến có 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Uỷ ban, với tổng số vốn vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng.

Ủy ban siêu trách nhiệm

Với quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đúng như thông lệ quốc tế về quản trị DN.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra cho ủy ban này, bên cạnh đó cũng là những băn khoăn về việc ủy ban sẽ hoạt động thế nào? làm sao để khối tài sản lớn của Nhà nước tại DN được quản lý tốt, sinh lời đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước?

sieu uy ban ky vong va ap luc

Màn hình quản lý DN trực tuyến tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN

Cho đến thời điểm này, dự kiến có 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Uỷ ban, với tổng số vốn vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng. Như vậy, áp lực nhiệm vụ của ủy ban rất lớn.

“Với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN, ủy ban không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải như người kinh doanh vốn để lượng tài sản nhà nước trong các DN được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu, đưa khối tài sản lớn trong các DN hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước... Nên các ghế tại ủy ban là ghế nóng, ghế làm việc vất vả, chứ không phải ghế bổng lộc, ghế quyền lực...”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc của ủy ban là phải thúc đẩy bảo đảm cho DNNN vận hành hiệu quả để cả nền kinh tế hiệu quả, làm sao để nguồn lực nhà nước được phân bổ hiệu quả và sử dụng hiệu quả. Hoạt động của ủy ban sẽ có tác động rất lớn khi mục tiêu chính của dòng vốn nhà nước là phải được dẫn vào những nơi mà khu vực tư nhân không thể vào, không muốn vào; những lĩnh vực tạo tác động liên kết, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là cơ sở để hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN có thể đảm bảo lợi ích tối cao cho chủ sở hữu nhà nước và mở rộng cơ hội đầu tư cho các dòng vốn tư nhân.

Còn những người đã được “biên chế” về ủy ban thì nói rằng: “Đừng gọi là siêu ủy ban, nói là ủy ban siêu trách nhiệm thì đúng hơn”, bởi khi thực sự tuân thủ theo đúng nguyên tắc quản lý và theo kinh tế thị trường, ủy ban cũng phải đứng trước những áp lực, những đòi hỏi các chỉ tiêu P/E, tốc độ tăng trưởng... mà các DNNN phải đạt được trong từng năm, từng giai đoạn...

Nhưng thực tiễn cho thấy, làm những việc này thật không dễ mà đầy khó khăn do DNNN còn rất nhiều tồn tại và yếu kém.

Quản lý bằng ứng dụng CMCN 4.0

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng (đại diện cơ quan soạn thảo nghị định) cho biết, ủy ban không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất. Ủy ban chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý Nhà nước đối với DN do các bộ quản lý ngành thực hiện. Chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị DN, chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước được tách bạch. Ủy ban chỉ thực hiện các quyền, trách nhiệm theo đúng quy định của Luật số 69/2014/QH13, không thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của DN trong lĩnh vực điều hành, quản trị kinh doanh.

Vậy ủy ban sẽ quản lý khối tài sản lớn này như thế nào, phải hoạt động ra sao? Ở thời điểm này chưa thể nói được nhiều, nhưng ủy ban đã có nửa năm ráo riết chuẩn bị với quyết tâm áp dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng CMCN4.0 vào quản lý DNNN và tài sản Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch ủy ban cho biết.

Theo đó, hiện ủy ban đang thử nghiệm hệ thống quản lý trực tuyến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Hệ thống này kết nối với các DN trực thuộc để ủy ban theo dõi liên tục 24/24 hoạt động của DN này với các diễn biến về vốn, về sản xuất, năng suất lao động, hàng vào hàng ra cũng như cả diễn biến về nhân sự, nộp thuế…

Hệ thống sử dụng phần mềm quản lý hoạt động của các DN trực thuộc uỷ ban với bộ chỉ số quản lý của 4 nhóm ngành hàng theo tiêu chuẩn của OECD. Ngoài bộ chỉ số chung cho từng nhóm, Uỷ ban cũng thiết lập bộ chỉ số riêng cho từng DN, có so sánh với số liệu sản xuất kinh doanh, mức độ an toàn vốn của các DN khác cùng ngành.

Hệ thống còn áp dụng bộ chỉ số giám sát để phân tích, đánh giá sức khỏe của DN, đặc biệt là có hệ thống cảnh báo các rủi ro về tài chính, quản trị (khả năng trả nợ, khả năng thanh toán...) như: Các chỉ số về tài chính, kinh doanh, đầu tư, lao động, nhân sự, tiền lương, quản trị theo chuẩn mực OECD... Các chỉ số đều có ngưỡng cảnh báo, khi có biến động vượt các ngưỡng an toàn, phần mềm sẽ tự động cảnh báo để ủy ban chỉ đạo rà soát, báo cáo đầy đủ và kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. “Không cần đợi DN báo cáo chúng tôi mới có số liệu mà lúc nào Chính phủ, Thủ tướng cần là chúng tôi có để báo cáo ngay”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.

Dự kiến 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Uỷ ban:

- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

- 7 tập đoàn: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

- 11 tổng công ty: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Xem thêm

Tri Nhân