|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Siêu dự án 4,1 tỷ USD chậm tiến độ hàng chục năm ở Vũng Tàu có chuyển động mới

04:00 | 21/03/2024
Chia sẻ
Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Winvest LLC làm chủ đầu tư được cấp giấy phép đầu tư từ năm 2006, đến nay chậm triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất gia hạn thời gian xử lý dự án trong quý II/2024 do tính chất dự án FDI có quy mô lớn.

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo liên quan đến dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại TP Vũng Tàu của Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam).

Theo đó, Sở đề xuất gia hạn thời gian xử lý dự án trong quý II/2024 do tính chất dự án FDI có quy mô lớn, việc xử lý cần được xem xét kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, tránh khiếu kiện quốc tế. Sở cho biết thêm, đây là dự án trọng điểm trong tháng 3/2024.

Trước đề xuất này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ về tiến độ xử lý giải quyết vướng mắc dự án trong tháng 3/2024, và việc xin gia hạn thời gian xử lý dự án.

Đồng thời, giao Sở cập nhật ý kiến của Cục Thuế để tổng hợp, rà soát các báo cáo; đôn đốc doanh nghiệp sớm có báo cáo liên quan dự án; tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý dự án trong tháng 3.

Dự án nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng

Một góc dự án Saigon Atlantis Hotel. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo tìm hiểu của người viết, Saigon Atlantis Hotel được đầu tư từ 100% vốn của Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ) do ông Peter Luu làm Chủ tịch. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 4,1 tỷ USD, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 300 triệu USD. Tại đây có hạng mục kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài với số lượng tối đa là 100 máy.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, Saigon Atlantis Hotel sẽ cung cấp 332 biệt thự với 11.960 phòng khách sạn 5 sao và 16.127 căn hộ cao cấp, thu hút khoảng 15.000 lao động.

Vào tháng 1/2005, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/2000 khu du lịch Saigon Alantis Hotel với diện tích khoảng 300 ha tại khu Chí Linh - Cửa Lấp, phường 11, 12 TP Vũng Tàu.

Tháng 4/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư đối với dự án này. Đến tháng 1/2009 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận lần đầu cho dự án, tháng 8 cùng năm dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và tháng 9 bắt đầu giao đất.

Theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt, Saigon Atlantis Hotel được thực hiện tại khu Chí Linh - Cửa Lấp, TP Vũng Tàu với diện tích 307 ha đối với phần đất liền và 610 ha mặt nước biển (trong đó có 120 ha mặt biển được xây dựng các hạng mục công trình).

Trong đợt thanh tra các dự án ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trình tự thủ tục thu hồi, cho thuê đất của Saigon Atlantis Hotel phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy định pháp luật.

Thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 87 ha đất, tuy nhiên chưa nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích 87 ha này là 3.323,5 tỷ đồng, chưa triển khai xây dựng công trình theo quy hoạch.

Cùng với đó, còn khoảng 200 ha đất đã có quyết định thu hồi từ năm 2007, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng và các công trình chậm triển khai 4 năm theo giấy chứng nhận đầu tư.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh, tính đến ngày 28/11/2019, số tiền nợ thuế của chủ đầu tư là hơn 2.389 tỷ đồng (cho 3 đợt giao đất), trong đó doanh nghiệp mới tạm ứng 98 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền thuê đất chậm nộp tính đến 30/6/2020 là 1.989 tỷ đồng.

Trong một báo cáo gửi UBND tỉnh vào tháng 6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 2 phương án xử lý đối với Saigon Alantis Hotel: Chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn hoặc giảm diện tích dự án (cho phép nhà đầu tư thực hiện trên phần diện tích đã ứng 98 tỷ đồng tiền thuê đất).

Vào tháng 7/2020, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức buổi làm việc xử lý việc chậm triển khai đối với dự án. Tại buổi làm việc này, Winvest Investment không thống nhất việc giảm quy mô dự án, thay vào đó đề nghị tiếp tục triển khai.

Nói thêm về Winvest Investment, tính đến tháng 12/2018, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 6.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 300 triệu USD.

Vào tháng 12/2019, CTCP Tập đoàn Sovico (Sovico Group) đã ngỏ ý muốn được nghiên cứu đầu tư vào khu đất dự án Saigon Atlantis Hotel, quy mô khoảng 370 ha, mục tiêu phát triển khu đô thị dịch vụ hỗn hợp, khu du lịch sinh thái biển, giải trí đa năng cao cấp đẳng cấp quốc tế.

Bà Rịa - Vũng Tàu có hàng chục dự án du lịch chậm tiến độ nhiều năm

TP Vũng Tàu. (Ảnh: VTV).

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 1/2023, toàn tỉnh này có 133 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (117 dự án đầu tư trong nước và 16 dự án đầu tư nước ngoài), trong đó có 50 dự án đang hoạt động hoặc hoạt động một phần; 37 dự án đang xây dựng; 46 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Tính từ thời điểm năm 2014 đến 2023, tỉnh đã chấm dứt hoạt động 36 dự án chậm triển khai. Sau đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, xử lý.

Kết quả là có một số khu đất có nhà đầu tư mới thực hiện dự án; một số khu đất có nguồn gốc đất do Nhà nước quản lý đang thực hiện các thủ tục tạo đất sạch và các thủ tục khác để tổ chức đấu giá; một khu đất thuộc quyền sử dụng của người dân, tiếp tục giữ quy hoạch để thu hút đầu tư; một số khu đất sau khi có chủ trương chấm dứt dự án, nhà đầu tư có kiến nghị được tiếp tục thực hiện dự án…

Cũng tính từ thời điểm 2014, tỉnh đã tiến hành giãn tiến độ cho 37 dự án (khi thực hiện thủ tục giãn tiến độ cho dự án, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án để chứng minh năng lực, thể hiện cam kết triển khai thực hiện).

Sau khi được đồng ý giãn tiến độ, có 6 dự án đi vào hoạt động; 2 dự án còn trong tiến độ điều chỉnh, đang triển khai thực hiện; 29 dự án đã hết thời gian giãn tiến độ/điều chỉnh tiến độ đầu tư.

Hoàng Huy

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.