|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thêm siêu dự án tại Phú Yên, Hòa Phát đang ngày càng Nam tiến

14:02 | 05/03/2024
Chia sẻ
Với đề xuất tổ hợp sản xuất thép mới tại Phú Yên, tập đoàn Hòa Phát đang tiến thêm một bước trong chiến lược chinh phục thị trường miền Nam.

Vào đầu tháng 3, Tập đoàn Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên), với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD). 

Các dự án này bao gồm Cảng Bãi Gốc (khoảng 24.000 tỷ); Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ); Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (86.000 tỷ). 

Lãnh đạo tập đoàn này tin rằng các dự án sẽ tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên, đóng góp ngân sách cho địa phương mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Thêm cơ sở sản xuất tại Nam Trung Bộ

Các dự án trên cho thấy Hòa Phát đã có thêm những bước tiến mới trong việc đặt "chân rết" cơ sở sản xuất kinh doanh vào thị trường miền Trung và miền Nam. Cả 3 dự án trên đều ở phía Nam tỉnh Phú Yên, tức nằm ở trung tâm khu vực Nam Trung Bộ. 

Hiện Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép quy mô lớn nhất Đông Nam Á với trên 8 triệu tấn/năm, nhờ sở hữu 2 khu liên hợp sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi. 

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: HPG).

Do đó, dự án tại Phú Yên được xem là cơ sở sản xuất xa nhất về phía Nam của tập đoàn thép có trụ sở tại Hà Nội này. 

Tổ hợp sản xuất gang thép mới đề xuất cũng có quy mô tương đương với Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang triển khai tại Quảng Ngãi (khoảng 85.000 tỷ đồng). Hòa Phát vận hành thương mại dự án Dung Quất từ 2020 và đang tiếp tục đầu tư dự án Dung Quất 2.    

Thực tế, câu chuyện Nam tiến đã được lãnh đạo Hòa Phát đề cập từ giữa năm 2019 trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, theo đó doanh nghiệp tham vọng bán thép vào khu vực phía Nam với giá rẻ nhất thị trường.

Còn trong hội nghị khách hàng 2019 diễn ra tại TP HCM, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nêu hai thông điệp là Hòa Phát sẽ tiến mạnh mẽ vào thị trường phía Nam và cam kết sẽ đồng hành cùng với các nhà phân phối, đại lý và khách hàng.   

Cụ thể, tập đoàn thép cam kết luôn có sẵn hàng để bán, đảm bảo thời gian giao hàng, chủng loại. Hòa Phát còn đầu tư 500 tỷ đồng mua một cảng tại Đồng Nai để đưa thép xây dựng vào phía Nam, đầu tư một cảng ở Cần Thơ để nhận hàng cho miền Tây và Campuchia.   

Hiện Hòa Phát là doanh nghiệp đứng đầu về thị phần thép xây dựng ở Việt Nam, nhưng chỉ mới xác lập vị thế dẫn đầu tại khu vực phía Bắc còn thị trường phía Nam vẫn là sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ mạnh như VNSteel, Hoa Sen, Vina Kyoei...

Sản lượng bán hàng của Hòa Phát vào phía Nam có chiều hướng tăng nhanh trong các năm qua để so kè với các đối thủ lớn, nhất là khi tổ hợp sản xuất tại Dung Quất đi vào vận hành giúp lượng hàng cung ứng dồi dào hơn. 

Tại sao lại là miền Trung?

Hòa Phát đang chiếm thị phần áp đảo tại phía Bắc, nhưng miếng bánh thị phần phía Nam không dễ dàng. Dù có chi phí sản xuất thấp nhưng giá thành khi đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên bởi chi phí logistics, có thể khiến sức cạnh tranh của Hòa Phát kém đi so với các đối thủ có sẵn nhà máy ở phía Nam.  

Trước đây, doanh nghiệp phải cộng thêm chi phí đáng kể để vận chuyển hàng hóa  từ nhà máy ở Hải Dương vào miền Trung và miền Nam; sau đó được giảm thiểu một phần nhờ Khu liên hợp sản xuất Hòa Phát Dung Quất đi vào vận hành.

Lãnh đạo doanh nghiệp từng tiết lộ thép vận chuyển từ Khu liên hợp Hải Dương vào miền Nam mất hơn 7 ngày trong khi thời gian vận chuyển từ Cảng Dung Quất vào Đồng Nai giờ chỉ còn khoảng 3 ngày. 

 Tỷ phú Trần Đình Long nhắm thêm siêu dự án thép tại Phú Yên. (Đồ hoạ: Huy Lê).

Hiện Hòa Phát vẫn chưa có cơ sở sản xuất thép tại khu vực miền Nam. Tập đoàn này chỉ có các đại lý kinh doanh, hệ thống cảng, chuỗi các nhà máy sản xuất container, tủ đông và thiết bị cơ khí tại Bà Rịa Vũng Tàu. 

Việc đặt các nhà máy tại miền Trung là bàn đạp quan trọng cho tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long tiến dần về phía Nam. Đây là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng bởi các đối thủ khác cũng đẩy mạnh hoạt động với các nhà máy của Hoa Sen, Nam Kim...

Chưa kể, doanh nghiệp thép sẽ có nhiều lợi thế khi đặt nhà máy sản xuất tại miền Trung. Khu vực này vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở trung tâm đất nước, có đường bờ biển dài và hệ thống cảng biển nước sâu dày đặc, thuận lợi cho cả giao thương nội địa và quốc tế. 

Phần lớn nhà máy thép tại miền Trung được đặt gần các cảng biển nước sâu - nơi có khả năng tiếp nhận những loại tàu hiện đại nhất thế giới - giúp tiết giảm chi phí và thời gian trung chuyển hàng hóa đến các vùng khác. 

Chẳng hạn, dự án Dung Quất của Hòa Phát được đặt tại chính cảng Dung Quất – cảng biển tổng hợp quốc gia loại I và bên cạnh là cảng nước sâu Sa Kỳ làm bến vệ tinh.

Formosa đặt nhà máy gần hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương là cảng hiện đại bậc nhất Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Các nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội cũng đặt gần cảng Quy Nhơn...

Các tỉnh miền Trung cũng thường kêu gọi đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi lớn về đất đai, thuế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... Chi phí nhân công rẻ và dồi dào cũng là một yếu tố thu hút các nhà sản xuất thép cạnh tranh tại đây.   

Huy Lê