|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Siết pháp lí BĐS khiến dòng tiền của NĐT ngoại vào Việt Nam giảm tốc

13:07 | 07/08/2019
Chia sẻ
Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam nhận định, một số dự án BĐS đang phải giảm tốc độ bởi việc rà soát pháp lí, điều này có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những NĐT (cả trong và ngoài nước) đang sẵn sàng chờ rót vốn vào thị trường.

FDI đổ vào BĐS nửa đầu 2019 thấp hơn cùng kì 2018

Báo cáo mới nhất từ bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao, Thị trường vốn, JLL Việt Nam cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, gần bằng 91% so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt 1,32 tỉ USD, giảm 76% so với con số 5,54 tỉ USD của cùng kì năm 2018.

viber_image_2019-07-22_16-38-34

Việc rà soát vấn đề pháp lí có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những NĐT (cả trong và ngoài nước) đang sẵn sàng chờ rót vốn vào thị trường. (Ảnh minh họa: N. Lê)

Nguyên nhân giảm là do lượng vốn đăng kí đầu tư vào BĐS những tháng đầu năm 2018 khá lớn, chủ yếu đến từ hai dự án: Smart City tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,1 tỉ USD từ tập đoàn Nhật Bản Sumitomo, và dự án Laguna Lang Co tại Thừa Thiên Huế với 1,1 tỉ USD vốn đầu tư từ một doanh nghiệp Singapore.

Nhìn chung, vốn đầu tư nước ngoài đã đăng kí vào BĐS trong nửa đầu năm 2019 vẫn tăng trưởng khả quan khi so sánh với cùng kì năm 2016 và 2017, tương ứng lần lượt là 0,6 tỉ USD và 0,7 tỉ USD.

Báo cáo liệt kê, thương vụ M&A nổi bật ngày đầu 2019 của thị trường chính là việc tập đoàn Keppel Land bán lại 70% cổ phần tại dự án Đồng Nai Waterfront City cho tập đoàn Nam Long.

Tập đoàn này gần đây cũng công bố thông tin về việc mua lại 60% cổ phần của ba khu đất tại huyện Nhà Bè, TP HCM (thông qua các công ty con của mình) từ tập đoàn BĐS Phú Long

Tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte) thành lập một liên doanh mới là CTCP Lotte FLC với số vốn điều lệ 556,5 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực BĐS.

Doanh nghiệp "bỏ phố về quê", NĐT ngoại cũng chuyển hướng về vùng ven

Thời gian gần đây, những dự án BĐS chưa được phát triển hiệu quả, những dự án được giao dịch với giá thấp hơn mức giá thị trường hoặc không thông qua đấu thầu chính thức, đang phải qua những bước kiểm soát chặt chẽ từ các nhà chức trách.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh nhận định, việc các cơ quan có thẩm quyền hành động để ngăn chặn tham nhũng có thể sẽ có một số tác động đến lợi nhuận kinh doanh trong ngắn hạn.

Nguyên nhân bởi một số dự án BĐS đang phải giảm tốc độ nhằm phục vụ cho quá trình điều tra, điều này có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những nhà đầu tư (NĐT) đang sẵn sàng chờ rót vốn vào thị trường.

Tuy nhiên, đại diện JLL kì vọng các biện pháp hiện tại sẽ thúc đẩy việc cải thiện tính minh bạch, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và thu hút nhiều NĐT trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào BĐS Việt Nam hơn.

Hiện tại, những quỹ đất "sạch" và đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm.

Thực tế này cũng khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư BĐS chất lượng ngày càng khó khăn. JLL quan sát thấy một số NĐT và nhà phát triển đang chuyển hướng mở rộng dấu chân của họ tới các tỉnh lân cận TP HCM.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường có nhắc đến một số trường hợp cụ thể như tập đoàn Novaland đang phát triển khu đô thị Aqua City tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai. Tập đoàn Nam Long với dự án Đồng Nai Waterfront, và khu đô thị Đại Phước Paragon rộng 45 ha thuộc đảo Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai, được công ty thâu tóm từ năm ngoái.

Mặc dù có nhiều nhà NĐT mới đang xem xét các khu vực mới nổi này, JLL ghi nhận phần lớn các dự án vẫn được dẫn dắt bởi các nhà phát triển nội địa hoặc quốc tế đã thành lập lâu đời tại Việt Nam.

Bà Vân Khanh đánh giá, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm Việt Nam.

NĐT không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quĩ đất và những BĐS đang hoạt động ổn định, thúc đẩy tiềm năng của thị trường BĐS công nghiệp.

Giám đốc cấp cao của JLL Việt Nam dự báo, các hoạt động M&A có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong hai quí còn lại, do thiếu các dự án "sạch" và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu tư. Dù vậy, vị này vẫn kì vọng các NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm và những cam kết đối với thị trường BĐS Việt Nam.

N. Lê