|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shopee vẫn 'đốt' tiền trên mỗi đơn hàng, công ty mẹ lỗ khủng trong quý II

08:57 | 25/08/2019
Chia sẻ
Mảng thương mại điện tử của Sea Limited vẫn ghi nhận lợi nhuận âm trong khi đó mảng kinh doanh giải trí điện tử phát triển tích cực.

Giá cổ phiếu của công ty từng là startup giá trị nhất Đông Nam Á một thời Sea Limited mới đây đã có những biến động nhất định khi kết quả kinh doanh mảng giải trí điện tử và thương mại điện tử của công ty này mang lại hai thái cực trái chiều.

Theo báo cáo tài chính công bố mới đây của Tập đoàn Sea, trong quý II/2019, tổng doanh thu của Sea Limited tăng 137% so với cùng năm trước lên mốc 436,2 triệu USD, tuy nhiên mức lỗ ròng cũng lớn hơn từ 250,8 triệu USD lên 280,1 triệu USD. 

Nếu không tính cách khoản thưởng cổ phiếu và thay đổi giá trị hợp lý của trái phiếu chuyển đổi, lỗ ròng của Sea Limited trong quý II vẫn lên tới mốc 215,1 triệu USD.

"Đốt" tiền cho hoạt động thương mại điện tử

3-shopee-black-pink_2019-06-07_23-50-41

Shopee vẫn là mảng kinh doanh "đốt tiền" của Sea trong quý II/2019. (Ảnh: Shopee)

Hầu hết các khoản lỗ của Sea Limited trong quý vừa qua đến từ hoạt động thương mại điện tử. Tại Châu Á, Shopee cạnh tranh trực tiếp với Lazada (do Alibaba chống lưng) trong khi đó AirPlay cũng có một đối thủ sừng sỏ của Alibaba là Alipay.

Còn nhớ khi Sea niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2017, hãng này khẳng định Shopee là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á. Dù vậy, Lazada phủ nhận điều này và cho rằng thị phần của Shopee do Sea công bố đã bao gồm cả thị trường Đài Loan, vốn không nằm trong Đông Nam Á.

Theo số liệu thống kê từ iPrice, trong năm 2018, thị phần của Lazada trong mảng thương mại điện tử Đông Nam Á đạt 27%, theo sau là Tokopedia 17%, Shopee 15% và Bukalapak 12%.

Doanh thu từ mảng "thương mại điện tử và các dịch vụ khác" của Sea tăng 207% lên mốc 165,7 triệu USD so với cùng kì năm trước. Phần lớn con số doanh thu này đến từ hoạt động chợ thương mại điện tử và "sự phát triển tích cực" của các dòng doanh thu như thu phí dựa trên giao dịch, các dịch vụ gia tăng và quảng cáo.

Song chi phí cũng tăng 118% lên 198,4 triệu USD, chủ yếu do chi phí ngân hàng, chi phí vận hành các dịch vụ giáo trị gia tăng và lương thưởng cho nhân viên. Chi phí marketing và bán hàng của mảng thương mại điện tử cũng tăng 163,7 triệu USD (19% so với cùng kì).

Mảng thương mại điện tử của SEA theo đó lỗ ròng 269,6 triệu USD, tăng lỗ so với con số âm 195 triệu USD của quý II năm ngoái. 

Lợi nhuận trước lãi suất, thuế và khấu hao (EBITDA) hiệu chỉnh âm 11 triệu USD. Cùng kì năm ngoái, con số này là âm 161,9 triệu USD.

Dù vậy, với tổng giá trị giao dịch (GMV) tăng lên 3,8 tỉ USD, mức EBITDA âm trên mỗi đơn hàng thương mại điện tử của SEA Limited đã giảm xuống chỉ còn 46 cents. Cũng trong quý II năm nay, SEA Limited phục vụ 246,3 triệu đơn hàng, tăng 92,7% so với quý II năm 2018.

Mảng giải trí điện tử là cứu cánh

Garena

Thành tích ấn tượng của mảng giải trí điện tử (Garena) đã bị mảng thương mại điện tử (Shopee) thổi bay. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, doanh thu hiệu chỉnh ở mảng giải trí điện tử của Sea Limited ghi nhận trong quý II là 443,2 triệu USD, tăng 218,6% so với cùng kì năm trước còn EBITDA sau hiệu chỉnh được ghi nhận ở 263,8 triệu USD.

Số lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên các nền tảng của Sea Limited chạm mốc 310,5 triệu. Một tín hiệu đáng mừng là số lượng người chơi trả phí đã chiếm tới 8,4% trong con số này, tăng lên từ 4,1% so với cùng kì năm 2018 và mức doanh thu trên mỗi người chơi đạt 1,4 USD.

Sea Limited tỏ ra lạc quan với cả hai mảng kinh doanh chính của mình trong năm 2019 với doanh thu hiệu chỉnh kì vọng từ giải trí điện từ đạt từ 1,6 - 1,7 tỉ USD (tăng lên từ mức kì vọng 1,2 – 1,3 tỉ USD). 

Doanh thu hiệu chỉnh kì vọng cho mảng thương mại điện tử cũng được điều chỉnh tăng lên 780 - 820 triệu USD, tăng lên từ 630 – 660 triệu USD.

Thái Sơn