|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sếp người Hàn xin rút khỏi ghế CEO và HĐQT của Dệt may Thành Công

21:44 | 02/03/2024
Chia sẻ
Sau gần 3 năm làm CEO và tham gia HĐQT, ông Jung Sung Kwan đã xin rút khỏi Dệt may Thành Công.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố thông tin đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT của ông Jung Sung Kwan. Ông Jung Sung Kwan cho biết ông từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ông Jung Sung Kwan sinh năm 1966, quốc tịch Hàn Quốc. Ông giữ chức Tổng Giám đốc của TCM từ tháng 5/2021 và được bầu vào HĐQT kể từ tháng 4/2021. Ông Jung Sung Kwan hiện không nắm cổ phần nào tại TCM.

Trước khi gia nhập công ty, ông là người đứng đầu của Eland Retail Ltd Korea từ tháng 4/2020 – tháng 5/2021. Ông cũng có nhiều năm công tác ở Tập đoàn Eland Retail từ 2010 - 2021 và làm ở Tập đoàn E-Land từ năm 1991 tới 2009.

Về tình hình kinh doanh, doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2024, với doanh thu hơn 14,3 triệu USD (hơn 353 tỷ đồng) và lãi sau thuế 977.000 USD (khoảng 24 tỷ đồng), tăng lần lượt 43% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong tháng đầu năm, doanh thu dệt may của TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 75% tổng doanh thu, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8%.

Đối với thị trường xuất khẩu, châu Á chiếm gần 75% tỷ trọng doanh thu, dẫn đầu là Nhật Bản (gần 29%); Hàn Quốc (xấp xỉ 23%), Trung Quốc (gần 10%) và Việt Nam (hơn 6%).

Xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm 20%, trong đó Mỹ (hơn 12%) và Canada (7%). Trong khi tỷ trọng xuất khẩu EU chỉ chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu.

TCM cho biết xuất khẩu chủ yếu theo điều kiện FOB và nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa theo điều kiện CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí). Do đó, TCM cho rằng tình hình khủng hoảng Biển Đỏ trong thời gian quá ít ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển cũng như thời gian giao hàng của công ty.

HK

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).