'Sếp ngoại', từ Techcombank đến Vietcombank
'Sếp ngoại', từ Techcombank đến Vietcombank |
Năm 2011 có thể xem là một dấu mốc, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại Việt Nam thuê chuyên gia nước ngoài về đảm nhận vị trí điều hành cao nhất - tổng giám đốc.
Đến - đi, chuyện bình thường
Đó là sự kiện Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bổ nhiệm ông Paul Simon Morris làm tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Đức Vinh - người từng chục năm đảm nhận vị trí này.
Trước đây và cho đến nay, nhân sự cao cấp là người nước ngoài khá phổ biến tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, nhưng chủ yếu do cổ đông chiến lược nước ngoài đề cử, đại diện tham gia cơ cấu quản trị, điều hành.
Sự kiện trên tại Techcombank như một khởi đầu. Nối tiếp, cũng tại ngân hàng này, từng có người thứ hai làm tổng giám đốc cũng là người nước ngoài. Và dòng chảy này mở rộng thêm ở Mekong Bank, Maritime Bank… vài năm sau đó.
Ở giai đoạn khởi đầu, tưởng như hướng đi trên chưa phù hợp. Sếp ngoại đến rồi chia tay chỉ sau vài năm. Nhưng, có những nguyên do về sau được đề cập cởi mở hơn.
Như tại Techcombank, năm 2011 đến 2013, hoạt động rơi vào khó khăn. Khách quan, đây cũng chính là những năm khó khăn nhất đối với tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam, dồn đẩy đến yêu cầu bắt buộc phải tái cơ cấu nhiều trường hợp sau đó.
Chỉ sau một năm nhập cuộc, chính ông ông Paul Simon Morris đã phải viết tâm thư cắt chính sách thưởng Tết năm 2012. Và một năm sau nữa, chuyên gia nước ngoài này đã nói lời chia tay.
Chia sẻ bên lề với VnEconomy gần đây, một lãnh đạo Techcombank nhìn lại, những thay đổi trên là rạch ròi và rất bình thường. Tại hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam, việc thuê chuyên gia nước ngoài về tham gia điều hành đều định rõ hợp đồng gói gọn từng năm một; và bản thân nhân sự đó có nhiều lý do cá nhân để thay đổi công việc, ngay cả như điều kiện gia đình và khoảng cách địa lý…
Hay như mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chiêu mộ chuyên gia nước ngoài về làm giám đốc điều hành khối dịch vụ bán lẻ. Được biết, hợp đồng cũng xác định rõ từng năm một, gọn kế hoạch làm việc mỗi năm.
Chi cao để rút ngắn
Đại diện Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, mức lương trả cho vị trí "sếp ngoại" nói trên cũng bình thường, thậm chí thấp. Song, Vietcombank sẵn sàng chi thù lao xứng đáng cho những đóng góp, kết quả mà nhân sự đó mang lại.
"Chúng tôi sẵn sàng chi trả cao, đổi lại nếu họ tạo ra những kết quả cao trong kinh doanh", đại diện Vietcombank nói, với dẫn chứng hoàn toàn đo đếm được hiệu quả bằng các đề án, chiến lược triển khai với những mức độ tăng trưởng trong hoạt động…
Tất nhiên, cũng như hầu hết các ngân hàng khác, Vietcombank không tiết lộ những con số cụ thể.
Tham khảo một lãnh đạo ngân hàng thương mại đã và đang trực tiếp tham gia tìm kiếm, đàm phán với các ứng viên nhân sự cao cấp, vị trí như giám đốc điều hành dịch vụ bán lẻ, quản trị rủi ro, công nghệ… tầm bao quát toàn hệ thống, cần có chi phí thù lao vào khoảng 5-7 tỷ đồng mỗi năm để có được ứng viên giỏi trong nước.
"Còn với chuyên gia là người nước ngoài, dày dạn kinh nghiệm, từng kinh qua và thành công ở các vị trí tương ứng tại các ngân hàng toàn cầu, qua các thị trường phát triển…, thì chi phí thù lao lên tới trên chục tỷ đồng mỗi năm, thậm chí gấp 6-7 lần thù lao của chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng chiêu mộ", người trong cuộc trên cho biết.
Vậy, vì sao những chuyên gia nước ngoài đó có "giá" cao như vậy, hay vì sao ngân hàng Việt sẵn sàng chi trả như vậy?
Trao đổi gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - thành viên đang có "sếp ngoại" chiếm tới khoảng 50% cơ cấu nhân sự điều hành các lĩnh vực mũi nhọn - từng có lý giải.
Theo lãnh đạo VPBank, không phải nhân sự trong nước hạn chế, nhưng ở một số vị trí hoặc lĩnh vực ngân hàng lựa chọn chuyên gia nước ngoài để rút ngắn quá trình và bước đi, đẩy nhanh hơn các hoạt động.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn ở giai đoạn từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về an toàn hoạt động và quản trị rủi ro; lĩnh vực bán lẻ, ứng dụng công nghệ… vẫn còn khá mới.
"Ở những lĩnh vực như vậy, hoặc do đặc thù của nó, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn ở các thị trường đã phát triển. Như với tín dụng tiêu dùng, với chúng ta là rất mới. Hoặc có những cái ngân hàng Việt Nam chưa bao giờ làm. Vậy nên phải học, phải nhanh chóng tiếp cận và áp dụng", đại diện VPBank nói.
Và cách học, cách tiếp cận không nhất thiết phải đến tận Mỹ, châu Âu, hay các thị trường phát triển để theo đuổi cả một quá trình. Cách rút ngắn và tranh thủ được ngay là "bê" các chuyên gia cụ thể về trực tiếp làm việc.
Chi cao để rút ngắn, chạy nhanh. Thực tế, chỉ trong ba năm gần đây, diện mạo của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thay đổi rất rõ theo hướng vận động đó. Bên cạnh yêu cầu tăng cường quản trị rủi ro, ứng xử với nợ xấu, ứng dụng công nghệ, thì bán lẻ và tín dụng tiêu dùng đã có tốc độ tăng trưởng bùng nổ.
Như số liệu cập nhật mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến tháng 10/2017, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng tới khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.
Hay như chính Vietcombank với sự kiện chiêu mộ chuyên gia nước ngoài nói trên, mục tiêu ngay từ năm tới sẽ từng bước nâng tỷ trọng tín dụng bán lẻ vượt trên 40% cơ cấu, thậm chí xa hơn với trên 50%, đi cùng với trọng tâm tăng thu dịch vụ thay vì tín dụng bằng cách chạy đua phát triển dịch vụ tiện ích.
Diện mạo hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang thay đổi qua những kế hoạch, chiến lược, trường hợp, con số như vậy, với sự góp mặt dần quen thuộc của nhân tố "sếp ngoại".
Và thời chỉ chen chân bán buôn, chỉ chuyên trung gian tài chính huy động - cho vay với lợi nhuận dựa tới 90-99% vào tín dụng, đang dần qua.
Người của Mizuho Bank rời ghế Phó Tổng Vietcombank
Chiều muộn 14/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank phát đi thông báo về việc từ nhiệm chức vụ ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/