'SCIC chưa có khoản đầu tư vào những lĩnh vực then chốt'
Vào cuối tháng 1, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức Hội thảo về mô hình tổ chức và hoạt động của SCIC.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban cho biết, sau 15 năm thành lập, SCIC đã tiếp nhận 1.073 doanh nghiệp với tổng mức giá trị vốn nhà nước là 30.154 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã thoái vốn nhà nước tại 1.013 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước khoảng 11.516 tỷ đồng, thu về cho nhà nước 48.047 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới thời điểm 31/12/2019, SCIC đã đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực có hiệu quả với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đạt 28.000 tỷ đồng.
Mặt khác, ông Tuấn Anh nhận định trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh của SCIC còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc liên quan việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Đáng chú ý, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp nhận còn chậm so với yêu cầu.
Cũng theo nhận của ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC, hoạt động của SCIC còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vướng mắc về cơ chế, các khuôn khổ quy định. Đặc biệt, quyền chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh của SCIC còn hạn chế.
Cụ thể, theo cơ chế hiện hành được áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, các Tập đoàn, Tổng công ty, trong đó có SCIC, chưa hoàn toàn nắm toàn quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước so với khu vực khác.
Cùng với đó, chưa có cơ chế phù hợp để đánh giá hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tính trên toàn bộ danh mục vốn đầu tư/vốn quản lý/vốn chủ sở hữu được giao của SCIC.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả cho rằng các khoản đầu tư của SCIC chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp hiện hữu, chưa có các khoản đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu hay những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của SCIC, sửa đổi các khung pháp lý để giúp SCIC thực hiện tốt hơn vai trò nhà đầu tư của Chính phủ.