|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau “scandal” làm giá, cổ phiếu TNT lại biến động lạ

14:31 | 30/08/2016
Chia sẻ
TNT – ngôi sao sáng nhất năm 2015 đang thể hiện một bộ mặt “bạc nhược” khi giá cổ phiếu “lau sàn” 12 phiên liên tiếp, tương ứng đi đứt gần 60% giá trị. Nhưng những động thái mới đáng chú ý đang dần xuất hiện….

Rũ bùn hóa thiên nga

Nhắc lại cổ phiếu TNT của CTCP Tài Nguyên trên sàn chứng khoán trong năm 2015, mức tăng 940% trong 248 phiên giao dịch đã đưa TNT trở thành cổ phiếu Việt tăng mạnh nhất và bỏ xa đơn vị xếp vị trí thứ hai khi đó là HTL (tăng 480%).

Với nhà đầu tư, đây là điều rất bất ngờ bởi từ năm 2012 cho đến giữa năm 2015 thì TNT vẫn ì ạch dưới vùng giá 4.500 đồng/cp, vậy mà chỉ qua nửa cuối năm 2015 mọi chuyện đã đổi thay - TNT rũ bùn để hóa thiên nga với đà tăng không biết mệt mỏi lên gần 30.000 đồng/cp.

tin nhap 20160830142500

Biến động giá cổ phiếu TNT từ năm 2012

Nếu lấy giá cổ phiếu để làm thước đo cho giá trị doanh nghiệp thì TNT cho thấy những khập khiễng. Lỗ nặng năm 2012 và 2013; năm 2014 và 2015 bết bát 3 quý đầu năm với lãi ròng vài trăm triệu đồng nhưng nhảy vọt vào quý cuối nhờ hoàn nhập dự phòng tiền tỷ.

Câu chuyện hóa thiên nga của TNT diễn ra trong nửa cuối năm 2015, là khoảng thời gian gắn liền với việc chào bán 17 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tại mức giá 10,000 đồng/cp. Đợt chào bán này kết thúc vào ngày 01/02/2016 với toàn bộ cổ phiếu phát hành được vét sạch. Cổ đông khi đó đang thấy lợi lớn từ chênh lệch giá cổ phiếu giữa chào bán so với thị trường. Cổ phiếu TNT trong khoảng thời gian nhà đầu tư nộp tiền mua luôn giữ trên ngưỡng 23,000 đồng/cp và trong đà tăng dựng đứng trước đó.

Gãy cánh

Là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn trong năm 2015 nhưng sức hút của TNT với cộng đồng đầu tư không cao. Khối lượng giao dịch của TNT vẫn thấp và không mấy đột biến trong năm 2015, trung bình năm khoảng 44,000 đơn vị/phiên. Thị trường chú ý đến TNT nhiều khi kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của Cơ quan công an chỉ ra rằng từ ngày 09/6/2015 đến 24/7/2015, một cá nhận sử dụng 26 tài khoản giao dịch cổ phiếu TNT nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu TNT.

Kể từ khi thông tin làm giá cổ phiếu được công bố (15/07/2016), “thiên nga” TNT vùng vẫy trong gần 1 tháng sau đó với khối lượng giao dịch bình quân khá đột biến (gần 800,000 đơn vị/phiên) trước ghi “gục ngã” kể từ ngày 11/08. Đến nay, sau 12 phiên giao dịch giảm sàn liên tục, TNT đã bay hơi 57% giá trị, giá cổ phiếu giảm từ 27,900 đồng/cp để lùi về mốc 13,000 đồng/cp.

Đáng chú ý là trong những phiên giao dịch này thì khối lượng dư bán đều ở mức rất cao, thậm chí lên vài chục triệu cổ phiếu nhưng bên mua không có. Như phiên giao dịch ngày 26/08, dư bán trong phiên khớp lệnh lên đến hơn 14 triệu đơn vị, chiếm hơn 55% vốn điều lệ của TNT ở thời điểm hiện tại.

tin nhap 20160830142500

Giao dịch cổ phiếu TNT từ đầu tháng 8/2016 đến nay

Điệu nhảy mới?

Thông thường, một cổ phiếu đang trên đà lao dốc không phanh mà doanh nghiệp chưa có thông tin phản hồi hay động thái gì thì không ai mà lao đầu vào bắt đáy, bởi họ biết rằng điều đó đồng nghĩa với bắt dao rơi. Nhưng ở TNT, câu chuyện xảy ra ngược lại, tiếp tục “bất chấp tất cả” cũng giống như việc cổ phiếu vẫn tăng vùn vụt trước đây.

Đầu tiên, ông Trần Công Minh và ông Lê Quốc Toản bắt đáy và trở thành cổ đông lớn của TNT. Trong đó, ông Minh mua vào 245,750 cp TNT vào phiên 25/08 (phiên giao dịch này TNT có giao dịch thỏa thuận hơn 1 triệu cp) để nâng tỷ lệ sở hữu lên 5.28%, tương ứng gần 1.4 triệu cp; còn ông Toản thì mua 398,000 cp vào phiên 19/08 (bằng số cp thỏa thuận) để nâng sở hữu lên 1,656,520 cp, hay tỷ lệ 6.5%.

Đối với cổ đông nội bộ, trong thời gian từ 25/07-24/08, Thành viên HĐQT Nguyên Gia Khoa, Thành viên HĐQT Đoàn Năng Tuân và TGĐ Vũ Tuấn Hoàng lần lượt mua 17,000 cp, 23,730 cp và 17,000 cp TNT. Trước giao dịch họ đều không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu TNT nào. Cũng phải nói thêm là ông Tuân và ông Hoàng cũng đã từng đăng ký nhưng không mua cổ phiếu TNT hồi tháng 2-3/2016. Ở giai đoạn này thì TNT vẫn giao dịch quanh mốc 25,000 đồng/cp, so với mức giá gần đây thì còn khá cao.

tin nhap 20160830142500

Cơ cấu cổ đông của TNT

Trở lại với hoạt động kinh doanh của TNT, năm 2016 Công ty đã đưa ra một kế hoạch kinh doanh hết sức tham vọng với doanh thu hợp nhất từ 250 – 300 tỷ đồng, gấp 3 – 4 lần so với kết quả năm 2015. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến từ 39 – 46.8 tỷ đồng, bỏ xa con số 7 tỷ đồng đạt được năm 2015.

Kế hoạch như vậy nhưng sau nửa năm 2016, TNT thực hiện chưa đến 30% chỉ tiêu doanh thu với 71.5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 2 tỷ đồng, bằng khoảng 5% kế hoạch năm. Điều này cho thấy gánh nặng sẽ càng lớn hơn cho TNT trong 6 tháng cuối năm. Nói thêm là năm 2014 và 2015, TNT đều không thực hiện được kế hoạch đề ra dù chỉ tiêu lợi nhuận ở hai năm này lần lượt là 9 và 13 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, năm 2016 TNT tập trung hai dự án mới là Khu nhà ở Tân Thanh và Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm cùng thuộc tỉnh thành phố Điện Biên.

Cụ thể, dự án Tân Thanh với quy mô 53,049 m2 tọa lạc tại phường Tân Thanh và phường Him Lam. Các sản phẩm dự án gồm 20 căn biệt thự đơn lập, 27 căn biệt thự song lập và 90 nhà ở liền kề. Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm tại phường Thanh Bình có quy mô đất 13,323 m2, bao gồm 30 căn biệt thự ven sông có diện tích 120 – 150m2 được bố trí dọc ranh giới dự án với tổng diện tích 4,365m2 và 16 căn liền kề 105m2 với tổng diện tích 1,695m2.

TNT có kế hoạch hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng và Công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên để đầu tư vào hai dự án trên bằng cách góp 170 tỷ đồng, với quyền lợi được hưởng là 65%. Cả hai dự án trên có tổng vốn đầu tư 453.3 tỷ đồng. Đến nay, TNT đã giải ngân toàn bộ số tiền 170 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Môi trường tỉnh Điện Biên để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký kết giữa hai bên vào ngày 01/02/2016./.

Theo Tri Nhân

Vietstock