|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau kết quả thanh tra của Bộ Công thương, EVN đưa ra hàng loạt điều chỉnh

13:59 | 20/05/2019
Chia sẻ
Liên quan đến thực hiện giá bán lẻ điện và thị trường điện sau kết quả kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương, lãnh đạo EVN đã có những thông tin chính thức.

Hàng tháng cung cấp thông tin tiêu thụ điện cho Bộ Công thương và Bộ kế hoạch đầu tư

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết với các nội dung đề xuất như trong nội dung báo cáo của Bộ Công Thương về điều chỉnh biểu giá điện, điều chỉnh thông tin trên hoá đơn tiền điện hay lắp đặt công tơ điện tử,... EVN đã có văn bản gửi các tổng công ty Điện lực yêu cầu rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc tính hoá đơn, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng.

Đồng thời, tăng cường công tác dịch vụ khách hàng, cung cấp kịp thời thông tin một cách công khai, minh bạch cho các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan có liên quan.

Thời gian tới, Tập đoàn cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng hàng tháng cho Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá tác động gián tiếp về ảnh hưởng của việc tăng giá điện từ ngày 20/3/2019.

Trong đó bao gồm so sánh điện năng tiêu thụ từng tháng so với cùng kì năm trước, so với trước khi tăng giá điện và các thông tin liên quan khác theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều chỉnh mẫu hóa đơn, lắp công tơ điện tử đo xa

Theo đại diện EVN, hiện nay, toàn bộ khách hàng sử dụng điện đều có thể tự tra cứu thông tin về lượng điện sử dụng, hoá đơn tiền điện và chi tiết cách tính tiền điện trong tháng. 

Tuy nhiên Tập đoàn cũng sẽ kịp thời nghiên cứu để điều chỉnh mẫu hoá đơn tiền điện phát hành hàng tháng sao cho dễ hiểu hơn, đồng thời chấn chỉnh kịp thời các sai sót nếu xảy ra trong quá trình ghi chỉ số và thanh toán tiền điện. 

Đẩy mạnh việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa để khách hàng dễ dàng cập nhật thông tin, giám sát được lượng điện tiêu thụ của mình, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM phấn đấu hoàn thành cơ bản trong năm 2020.

Đặc biệt tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động của Tập đoàn trong việc cung cấp điện, chi phí và các thông tin theo Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ về việc công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước để cung cấp kịp thời, minh bạch đến người dân.

Sau kết quả thanh tra của Bộ Công thương, EVN đưa ra hàng loạt điều chỉnh  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đưa thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết Tập đoàn đang xây dựng đề án thí điểm và sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt trong tháng 7/2019. 

Đồng thời thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thị trường điện, hoàn thành dự thảo các qui định pháp lí trình Bộ Công Thương ban hành để đẩy nhanh tiến độ triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tách các đơn vị bán lẻ để tiến hành cổ phần hoá theo lộ trình của quyết định 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong công tác tái cơ cấu, Tập đoàn đã thực hiện nghiêm Quyết định 168/QĐ-TTg ngày 7/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này thì Tập đoàn tiến hành cổ phần hoá 3 Tổng công ty Phát điện, chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia hạch toán độc lập trong Tập đoàn và cổ phần hoá khâu dịch vụ bán lẻ để thực hiện thị trường điện bán lẻ từ 2021.

Hiện nay, Tập đoàn đã hoàn thành việc thực hiện cổ phần hoá Tổng công ty Phát điện 3, đã duyệt kế hoạch cổ phần hoá Tổng công ty Phát điện 2 và đang trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch cổ phần hoá Tổng công ty Phát điện 1.

Dự kiến trong năm 2019 - 2020 sẽ hoàn thành thủ tục cổ phần hoá các tổng công ty Phát điện 1 và 2. Sau 2 năm hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, Tập đoàn sẽ lập phương án thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty Phát điện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Tập đoàn cũng đã hoàn thành đề án chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành công ty TNHH một thành viên và đã trình Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018. 

Ủy ban đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.

Tập đoàn sẽ hoàn thành Đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong năm 2019 và tất cả công tác tái cơ cấu trên đây đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Lượng điện tiêu thụ vượt "đỉnh" năm 2018

Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết 5 tháng đầu năm 2019 mặc dù chưa phải là thời kì cao điểm nắng nóng nhưng hệ thống điện đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy.

Cụ thể, ngày 24/4 là ngày nóng nhất tháng 4, công suất đầu nguồn cực đại (Pmax) toàn hệ thống là 35703 MW, tăng 16,2% so với cùng kì năm trước và vượt qua Pmax trong đợt nắng nóng cực đoan nhất năm 2018 (35118 MW vào ngày 3/7/2018).

Đến ngày 17/5, mức tiêu thụ điện toàn hệ thống lại đạt đỉnh mới cao hơn, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 35912 MW.

Bên cạnh số liệu về công suất, lượng điện năng tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống điện quốc gia trong ngày 17/5/2019 lên đến 755 triệu kWh, và số liệu này cũng đã phá kì lục, vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 725 triệu kWh vào ngày 3/7/2018.

Như vậy, thời tiết nắng nóng đã và đang diễn ra diện rộng, dự báo tình hình còn gay gắt hơn. Theo số liệu thống kê của 4 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ đạt 74,35 tỷ kWh, tăng trưởng 11% so với năm 2018. Bước vào cao điểm nắng nóng trong các tháng 5, 6, dự kiến phụ tải còn tiếp tục tăng trưởng cao. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000- 39.000 MW, tăng 11-14% so với cùng kì 2018.


Như Huỳnh