|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau cắt bỏ, điều kiện kinh doanh cần cơ chế tránh “tái sinh”

08:30 | 24/09/2017
Chia sẻ
Ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia chính sách công độc lập cho rằng, nếu không tiến hành đồng bộ những cải cách thể chế về hệ thống giấy phép, điều kiện kinh doanh, các nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện tại sẽ chỉ cho kết quả trước mắt.
sau cat bo dieu kien kinh doanh can co che tranh tai sinh

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng

Ông nghĩ thế nào về các giải pháp mà các bộ đưa ra trong việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý hiện nay?

Việc rà soát và cắt bỏ điều kiện kinh doanh, hay các loại giấy phép hiện tại có thể giúp giảm bớt một số giấy phép con bất hợp lý. So với thực trạng hệ thống điều kiện kinh doanh chằng chịt hiện tại thì đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ, các bộ, ngành cũng là một điều đáng mừng lớn với doanh nghiệp.

Nhưng, cách làm này về cơ bản khó tạo ra kết quả mang tính bền vững trong dài hạn. Điều tôi lo nhất là khả năng tái sinh các loại giấy phép con rất cao. Hơn thế nữa, yếu tố chất lượng của giấy phép , cụ thể là tính hiệu quả của hệ thống công cụ quản lý này, vẫn sẽ tiếp tục thấp.

Điều gì khiến ông lo ngại như vậy?

Phải nhìn vào lý do tồn tại của giấy phép con.

Thứ nhất, trong nhận thức về vai trò quản lý nhà nước hiện tại, tư duy điều chỉnh chính sách bằng điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép vẫn xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước chứ không phải là từ nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Hiện tại, không có một triết lý rõ ràng và khoa học về quản lý nhà nước, tức về vai trò Nhà nước – vai trò thị trường, khi nào Nhà nước cần can thiệp và can thiệp và can thiệp như thế nào, bằng những công cụ nào, đánh giá hiệu quả ra làm sao.

Cần nhấn mạnh lại, những nguyên tắc xác lập điều kiện kinh doanh mà Luật Đầu tư bây giờ đưa ra quá rộng và vẫn thiếu căn cứ để ban hành điều kiện kinh doanh, không có nhiều tác dụng giúp kiểm soát điều kiện kinh doanh.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhắc đến việc sử dụng tiêu chuẩn OCED để nâng cao chất lượng. Nhưng tôi cho rằng, trước khi có thể áp chuẩn, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước phải tư duy như OECD trước đã.

Tóm lại, tôi cho rằng, cái gốc là nhận thức, là triết lý về phân vai nhà nước – thị trường. Không bắt đầu từ gốc, chúng ta khó có thể đi đến đâu.

Thứ hai, cách thức tổ chức bộ máy hiện tại trao cho một cơ quan vừa có quyền soạn thảo chính sách, định đặt giấy phép và điều kiện kinh doanh, đồng thời lại có quyền cấp phép và thực thi các điều kiện kinh doanh. Cách thức này tạo ra xung đột lợi ích, làm trầm trọng thêm động cơ tham nhũng, trục lợi và dễ bị các ‘nhóm lợi ích’ chi phối quá trình ban hành chính sách.

Trong khi đó, cơ chế kiểm tra, giám sát quy trình ban hành quy định hành chính độc lập, có quyền hạn phù hợp để hoạt động hiệu quả thiếu. Hệ thống tư pháp yếu, vừa không xử lý được các tranh chấp dân sự, tạo áp lực can thiệp hành chính; vừa không giúp người dân doanh nghiệp có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm bởi cơ quan hành chính...

Thêm nữa, đa phần hiệp hội doanh nghiệp không đóng vai trò kiểm soát và tạo áp lực từ bên ngoài hệ thống nhà nước. Bên cạnh nhiều hiệp hội hình thức, tôi biết có rất nhiều hiệp hội rất hiểu, rất ý thức được sứ mạng bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp thành viên của mình. Nhưng họ bị "trói tay", không được trao những cơ chế phù hợp để thực thi trách nhiệm đó của họ.

Có thể thấy, tiến trình cải cách giấy phép do đó thuần túy một chiều, từ từ trên xuống, thiếu tính đồng bộ, thiếu sự tham gia thực chất của doanh nghiệp thì khó có thể thành công thực chất và bền vững. Thực tế, các lần bãi bỏ giấy phép con nhiều năm đã cho thấy rõ thực trạng này.

Vậy, để thành công, quan trọng là để không tái diễn tình trạng cắt điều kiện kinh doanh này lại mọc thêm các điều kiện khác thậm chí còn tệ hơn, hoạt động này nên diễn ra thế nào?

Cần một tiếp cận mới. Từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu về cải cách hệ thống điều kiện kinh doanh từ giai đoạn 1999 đến nay, chúng tôi cho rằng:

Không chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh như hiện nay mà còn cải cách toàn diện hệ thống quy định hành chính, đồng bộ và toàn diện trên 4 phương diện.

Một là, thay đổi và hiện đại hóa triết lý lập quy theo chuẩn mực chung của các quốc gia có thể chế kinh tế thị trường phát triển. Hai là, cải cách quy trình lập quy định, điều kiện. Ba là kiểm soát lập quy của các cơ quan hành chính. Và bốn là, đổi mới bộ máy các cơ quan điều tiết thị trường.

Cần xác định rõ mục tiêu, phải cắt giảm đáng kể các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang tạo gánh nặng và nhũng nhiễu doanh nghiệp. Song song, xây dựng được và vận hành các thiết chế giám sát quy trình ban hành điều kiện kinh doanh.

Chúng ta cũng phải xây dựng các thiết chế tư pháp giúp doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền tự do kinh doanh của mình. Tòa án cần được trao quyền xem xét và bãi bỏ văn bản pháp quy vi hiến hoặc trái luật. Tòa hành chính bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp trong từng trường hợp cụ thể khi bị lạm quyền hành chính.

Trên hết, phải xây dựng được các thiết chế điều tiết thị trường hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới. Trong hệ thống điều tiết mới, triết lý can thiệp được xác lập trên nguyên tắc: Nhà nước phục vụ thị trường chứ không quản lý thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường cần, cụ thể là khi xảy ra các thất bại thị trường.

Điều quan trọng, trong tiến trình cải cách, phải đặt doanh nghiệp vào trung tâm!.

Nguyễn Quang Đồng là chuyên gia độc lập về chính sách công.

Ông có kinh nghiệm thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu và tư vấn về các vấn đề thể chế kinh tế thị trường và cải cách khu vực công cho các định chế và tổ chức quốc tế.

Khánh An