Sau 7 năm, mỗi người Việt Nam có thêm 6 m2 nhà ở
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người (tăng 0,8 m2 sàn/người so với năm 2015).
Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước là 16,7 m2/người, trong đó thành thị cao gần gấp rưỡi nông thôn, tương ứng 19,2 m2/người và 15,7 m2/người.
Như vậy, nếu so với 7 năm qua, trung bình mỗi người dân Việt Nam đã có thêm 6,1 m2 sàn nhà ở, tăng 0,96m2/người/năm.
Diện tích nhà ở tăng qua các năm - Đồ họa: Hiếu Công.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đánh giá đây là một trong những thành công của ngành Xây dựng trong những năm vừa qua. Đặc biệt, nếu xét mục tiêu bình quân nhà ở được Bộ này đặt ra cho năm 2016 là 22,6 m2/người, thì đã vượt chỉ tiêu 0,2 m2/người (vượt sấp xỉ 1%).
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực này đạt khoảng 3,3 triệu m2.
Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt nhiều kết quả, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở.
Bình quân mỗi năm, người dân có thêm 0,9 m2 nhà ở: Ảnh: Tiến Tuấn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, tỷ lệ bình quân nhà ở cả nước đang tăng lên cho thấy tín hiệu vui của ngành Xây dựng cũng như sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến diện tích bình quân nhà ở tại các khu vực khác nhau, để có những chính sách phát triển phù hợp.
Vị này giải thích giữa bình quân nhà ở khu vực thành thị, nông thôn hay các tỉnh thành khác nhau đã có sự phân hóa. Người giàu và người nghèo cũng có sự chênh lệch rất nhiều.
Năm 2010, bình quân đầu người 17,5 m2 nhà ở. Năm 2011 là 18,3 m2 năm 2012 là 19,1 m2... Ngành Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2020, trung bình mỗi người dân có 25 m2 nhà ở.