|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau 6/9, Hà Nội giãn cách cao hơn với 'vùng đỏ', các vùng còn lại theo Chỉ thị 15+

19:41 | 02/09/2021
Chia sẻ
Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng với "vùng đỏ”, còn "vùng cam" và "vùng xanh" áp dụng theo Chỉ thị 15+.

Theo Thông báo 480 của Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Ban Thường vụ thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3. Trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía tây, phía nam thành phố (sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao - “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan đơn vị xây dựng phương án tổ phân vùng bảo đảm kỹ lưỡng, khoa học, hiệu quả theo cơ chế vận hành, liên kết, phối hợp giữa các vùng, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đặc biệt là việc cung ứng hàng hoá thiết yếu cho nhân dân... phục vụ phòng, chống dịch lâu dài.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước Thành phố.

Đồng thời, chính quyền cơ sở tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu ở yên đó”.

Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tháng 9 và các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Trong khi đó, nếu kéo dài giãn cách sẽ gây nhiều hệ luỵ, tác động tới nền kinh tế - xã hội.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực.

Nhiều chỉ số sản xuất và tiêu dùng của thành phố trong tháng 8 giảm so với tháng 7 như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm trên 2 con số (giảm 32,2% so với tháng 7 và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 6 tháng giảm 8,9%). Số doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng giảm 7% so với cùng kỳ; 2.204 doanh nghiệp giải thể, tăng 36%.

Chỉ thị 15 yêu cầu không tập trung trong phòng quá 20 người, không tập trung tại nơi công cộng quá 10 người.

Chỉ thị 15 cũng yêu cầu khoảng cách giao tiếp tối thiểu là 2 m. Theo chỉ thị này, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, hoạt động giải trí, thể thao, lễ hội, tín ngưỡng, khách sạn, quán ăn, khu di tích danh lam thắng cảnh tạm dừng hoạt động. Vận tải công cộng và di chuyển liên tỉnh hạn chế.

Ngân hàng, cửa hàng thực phẩm, điện nước, dược phẩm, xăng dầu, cơ sở sản xuất, công trình giao thông xây dựng được phép hoạt động. Chỉ thị 15 cũng không hạn chế phương tiện cá nhân.

Anh Đào