|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau 10 năm 'thay da đổi thịt', hàng không Việt đang tăng trưởng quá nóng

16:28 | 11/04/2019
Chia sẻ
Chiều nay 11/4 tại quần thể FLC Quy Nhơn, Báo Giao thông đã tổ chức buổi Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững”.
Sau 10 năm thay da đổi thịt, hàng không Việt đang tăng trưởng quá nóng - Ảnh 1.

Ảnh: Y Vân

Theo số liệu cập nhật, năm 2018, lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt trên 38 triệu lượt trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu, cho thấy sự quá tải phần nào của cơ sở hạ tầng ngành hàng không Việt Nam.

Đây là một hệ quả không mong muốn của sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỉ qua của ngành hàng không, đặc biệt mức tăng trưởng trong 5 năm gần đây đều đạt trên 10%.

Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar, Vasco và gần đây nhất là Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mở đầu buổi Tọa đàm, ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nêu ra sự tăng trưởng vượt bậc của ngành hàng không Việt Nam trong 10 năm vừa qua thông qua các con số

Về qui mô đội tàu bay, năm 2008 Việt Nam có tổng cộng khoảng 60 chiếc, trong đó chỉ có 29 tàu là sở hữu, còn lại là đi thuê. Đến năm 2018, tổng số có 192 tàu bay - tăng gấp hơn 3 lần. Trong đó có 57 chiếc được các hãng sở hữu, cao gấp đôi 10 năm trước.

Tuổi của đội tàu bay không tăng lên mà thậm chí giảm đi theo thời gian, từ 8,8 năm vào 2008 xuống còn 5,5 năm vào 2018.

Về mạng đường bay, 10 năm trước Việt Nam chỉ có 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế. Hiện nay có 60 đường bay nội địa, 130 đường bay quốc tế.

Về số hãng hàng không, từ chỗ chỉ có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, ngành hàng không hiện đã có sự tham gia của các hãng tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways.

Theo ông Trần Minh Phương, 10 năm vừa qua, hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh, có thể nói là tăng trưởng nóng nhưng không nằm ngoài dự báo. Tuy nhiên, tăng trưởng ở mức độ cao này theo dự báo chỉ đến năm 2020, sau 2020 tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chậm lại.

Ông Đỗ Đức Tú - Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành hàng không VN tăng trưởng nóng, không chỉ ở sân bay, dưới mặt đất mà trên cả bầu trời, ông Tú lấy ví dụ ông từng ngồi trên chuyến bay tới Tân Sơn Nhất nhưng không hạ cánh được mà phải bay vòng một tiếng đồng hồ trên bầu trời. 

Theo ông, thực trạng tăng trưởng nóng này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Về khía cạnh tích cực, tăng trưởng nóng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Về khía cạnh tiêu cực, tăng trướng nóng gây ra sự quá tải cho hạ tầng hàng không, nhân sự trong ngành cũng khó đáp ứng được.

Điều gì đã tạo nên tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian qua?

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, có nhiều nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng không. Ngoài nhu cầu của tầng lớp trung lưu và người trẻ, còn phải kể đến đóng góp của những người lớn tuổi vì đây là những người có thời gian tích lũy thu nhập, là người có tiền. Dân số ngày càng già hoá thì tầng lớp này càng đông đảo.

Sau 10 năm thay da đổi thịt, hàng không Việt đang tăng trưởng quá nóng - Ảnh 2.

TS. Võ Trí Thành tại buổi Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững" chiều 11/4. Ảnh: Đức Quyền

Một đối tượng khác là sự dịch chuyển của người lao động, năm 2017, có 144.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, ngoài ra còn khách du lịch, chủ yếu từ các nước đến Việt Nam.

Có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phát triển của hàng không Việt Nam là tăng trưởng kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc điểm dân số của Việt Nam.

Cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là tính cạnh tranh, nếu không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu của chúng ta không thể được đáp ứng.

Cạnh tranh của hàng không Việt Nam có cái chung của cạnh tranh trên thị trường nhưng cũng có cái rất đặc biệt.

Số lượng các hãng hàng không không thể quá ít, nhưng cũng không thể quá nhiều, tương tự như trong kinh doanh taxi hay mạng viễn thông, có người vào thì có người ra. Số lượng hãng hàng không không cần nhiều quá nhưng phải luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó...

Y Vân

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.