|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sắp mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương lên 8 làn xe

14:43 | 19/11/2022
Chia sẻ
Sở GTVT TP HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TPHCM-Trung Lương lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp, cùng với việc mở rộng các tuyến kết nối cao tốc theo quy hoạch.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương cùng các tuyến kết nối cao tốc theo quy hoạch.

Tại văn bản này, Sở GTVT TP HCM đề nghị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án này vào năm 2023; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư năm 2024. Đến năm 2025 sẽ tiến tới khởi công dự án, đặt mục tiêu hoàn thành năm 2027.

Theo thiết kế, tuyến chính cao tốc TP HCM-Trung Lương được đề xuất mở rộng lên 8 làn và 2 làn khẩn cấp. Các tuyến nối Bình Thuận-Chợ Đệm và Tân Tạo-Chợ Đệm mở rộng lên 6 làn và 2 làn hỗn hợp.

Về sự cần thiết mở rộng cao tốc TP HCM-Trung Lương, Sở GTVT TPHCM cho rằng cao tốc này được đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây đã hơn 12 năm với 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp. 

Lý giải nguyên nhân của đề xuất trên, Sở GTVT TP HCM cho biết, lượng xe đi lại trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đang rất lớn, không đáp ứng được sự gia tăng của xe cộ và nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào các dịp lễ tết, cuối tuần.

Do đó, việc sớm nghiên cứu mở rộng cao tốc TPHCM-Trung Lương là cần thiết và cấp bách. Dự án khi được mở rộng sẽ góp phần hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác các cao tốc, vành đai đang triển khai.

Hiện nay, TPHCM đang tập trung, ưu tiên nguồn lực cho hai dự án gồm phối hợp với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai đầu tư đường vành đai 3 TPHCM dài 76 km; phối hợp với tỉnh Tây Ninh đầu tư cao tốc TPHCM-Mộc Bài.

Một trong những thuận lợi khi mở rộng tuyến cao tốc này là chỉ cần bố trí vốn thực hiện thi công, xây lắp, còn mặt bằng đã có sẵn do đã thực hiện trước đây.

Do vậy, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND Thành phố xem xét, đề nghị Bộ GTVT là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án, hoặc giao cho Long An là cơ quan chủ trì bởi chiều dài tuyến đi qua địa phương này dài nhất.

Trên cơ sở nghiên cứu, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chủ trì họp với các bộ, ngành, các địa phương liên quan để thống nhất quy mô, hình thức và nguồn vốn đầu tư.

Trước đó, vào tháng 8/2022, Bộ GTVT đã thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, Trung Lương-Mỹ Thuận theo quy mô quy hoạch.

Về phương án đầu tư, thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án gồm: Đầu tư công; phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); phương thức PPP, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương có chiều dài toàn tuyến 61,9 km, trong đó tuyến chính cao tốc dài 39,8 km, các tuyến đường nối, đường dẫn dài 22,1 km, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2004, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 2/2010.

Cao tốc TPHCM-Trung Lương có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và 2 làn khẩn cấp, cứu hộ, bắt đầu thu phí từ năm 2011 và đến cuối năm 2018 thì chấm dứt thu phí do hết hạn hợp đồng bản quyền thu phí. Tuyến cao tốc này hiện do Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) quản lý.

Sau khi dừng thu phí, từ đầu năm 2019 lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng đột biến. Theo thống kê, lúc cao điểm có trên 51.000 xe/ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp do ùn ứ, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe… diễn ra thường xuyên.

Hạ An