|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sắp làm tuyến đường sắt 5 tỷ đô nối Thủ đô Lào, Vũng Áng sẽ hưởng lợi gì?

14:00 | 22/03/2022
Chia sẻ
Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Lào, Thái Lan, Myanmar với cảng Vũng Áng của Việt Nam, thúc đẩy giao thương thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế.

Ngày 21/3/2022 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Tập đoàn FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng.

FLC và PetroTrade sẽ cùng tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển đường đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo thuộc Quảng Bình (Việt Nam). 

Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 555 km, trong đó, 452 km thuộc Lào và 103 km tại Việt Nam, mục tiêu khởi công dự án trong quý IV năm nay.

Sắp làm tuyến đường sắt 5 tỷ đô nối Thủ đô Lào, Vũng Áng sẽ hưởng lợi gì? - Ảnh 1.

Sơ đồ tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Ánh. (Ảnh: Vietlaotrade).

FLC đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam giới thiệu chính thức tới Chính phủ Lào để tham gia nghiên cứu phát triển dự án đường sắt nói trên.

Theo tờ Vientiane Times, tuyến đường sắt này sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Thái Lan và Myanmar với cảng Vũng Áng, một cảng có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Ngoài ra, dự án cũng được thiết lập để kết nối với đường sắt Lào - Trung, từ đó có thể thuận lợi hơn khi hướng tới tiếp cận các thị trường châu Âu trong tương lai.

Việc mở ra tuyến cao tốc nối hai thủ đô và tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn - cảng Vũng Áng của Việt Nam sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Cùng với đó, Hà Tĩnh tập trung thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hà Tĩnh xác định dịch vụ logistics là một trong 4 cụm ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh cần tập trung để tạo đột phá phát triển trong thời kỳ 2021-2030, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung bộ.

Việc xây dựng tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn - cảng Vũng Áng của Việt Nam sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.

Khu kinh tế Vũng Áng một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung đầu tư phát triển với thế mạnh về công nghiệp thép và cơ khí, chế tạo; năng lượng; cảng biển nước sâu và dịch vụ logistics; với vị trí nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế, trục hành lang kinh tế Đông - Tây trong tiểu vùng sông Mekong (GMS), với hạt nhân là dự án Khu liên hợp gang thép và cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các dự án điện,...

Các dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động tại đây có thể kể đến như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (Giai đoạn 1: Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm; cảng nước sâu Sơn Dương cho tàu 30 vạn tấn); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (công suất 1.200 MW); Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng Vũng Áng, Khu công nghiệp Vũng Áng 1,...

Sắp làm tuyến đường sắt 5 tỷ đô nối Thủ đô Lào, Vũng Áng sẽ hưởng lợi gì? - Ảnh 2.

Một góc Khu Kinh tế Vũng Áng. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

Hiện nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng đang thi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW (gần 2,5 tỷ USD), đã khởi công giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất Cell Pin quy mô 4.000 tỷ đồng của Vingroup, và đang hoàn thiện, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển tổ hợp công nghiệp ô tô (với quy mô dự kiến 13 tỷ USD); xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổ hợp điện khí Vũng Áng III, hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ,...

Trong quý IV/2022, Vingroup dự sẽ triển khai 4 dự án thuộc Khu kinh tế Vũng Áng với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, trong đó có hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, logistics và khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh.

"Khu kinh tế Vũng Áng đã, đang và sẽ là động lực, tạo đột phá phát triển, thúc đẩy liên kết vùng Bắc Trung Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp nặng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước", lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay.

Là khu kinh tế trọng điểm quốc gia, hạ tầng giao thông kết nối Vũng Áng với các khu vực xung quanh được chú trọng đầu tư, đã và đang hình thành các tuyến giao thông kết nối các công trình dự án quan trọng như cụm cảng nước sâu, nhà máy nhiệt điện, khu liên hợp thép với các hành lang đường bộ quốc gia ở phía tây. Các dự án này gồm đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, nối Vũng Áng - quốc lộ 1A - quốc lộ 12A qua hai khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) và Cầu Treo (Hà Tĩnh), nối Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Hòn La (Quảng Bình) qua tuyến quốc lộ ven biển.

Ngoài ra, trong khu kinh tế đang hình thành hệ thống đường liên đô thị, đường khu vực các khu đô thị quy hoạch như dự án đường vành đai phía nam Khu kinh tế Vũng Áng; đường từ khu công nghiệp đa ngành đi khu công nghệ cao Khu kinh tế Vũng Áng; đường trục chính từ quốc lộ 1A đến khu đô thị trung tâm Khu kinh tế Vũng Áng

Dòng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng chảy vào KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh muốn dùng vốn đầu tư công sớm triển khai cao tốc qua địa bàn - Ảnh 3.

Đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng dài hơn 68 km được xem là tuyến “hậu cần” cho phát triển Khu kinh tế Vũng Áng. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

Một công trình giao thông lớn khác phải kể đến là dự án đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng với tổng mức đầu tư hơn 1.495 đồng. Dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2017, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2021.

Về cao tốc, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025  theo hình thức đầu tư công, trong đó có hai đoạn qua Vũng Áng là Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng với tổng chiều dài 112 km, vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.

Huy Hoàng

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.