Sao Ta muốn xây nhà máy mới trên 200 tỉ đồng sau thông tin doanh số tháng 8 đạt kỉ lục
Mới đây, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 18/10 tới đây.
Cụ thể, HĐQT công ty sẽ trình cổ đông thông qua phương án đầu tư mở rộng xây dựng nhà máy Thủy sản Sao Ta tại Sóc Trăng. Nhà máy mới có công suất 15.000 tấn/năm với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 200 - 250 tỉ đồng.
Doanh nghiệp cho biết mục tiêu dự án nhằm mở rộng qui mô kinh doanh tôm, gồm tiếp tục mở rộng vùng nuôi đã có, xây dựng thêm nhà máy chế biến tôm cao cấp với thị trường chiến lược là EU.
Thời gian thực hiện thủ tục cho dự án ngay sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt thông qua. Thời gian xây dựng dự kiến vào đầu năm 2021.
Có thể thấy, Sao Ta đang từng bước hiện thực hóa tham vọng mở rộng qui mô kinh doanh của mình. Gần đây, doanh nghiệp đã thành lập CTCP Thực phẩm Khang An với vốn điều lệ 234 tỉ đồng, trong đó Sao Ta giữ tỉ lệ sở hữu chi phối là 77,1%. Doanh nghiệp này sẽ chính thức hoạt động từ đầu năm 2021, chuyên sâu mảng nông sản và mảng tôm chế biến sâu.
Trở lại với dự án xây dựng nhà máy Thủy Sản Sao Ta, để có nguồn vốn thực hiện, công ty có kế hoạch phát hành hơn 9,8 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỉ lệ thực hiện quyền là 5:1 (5 cổ phần được hưởng 1 quyền, 5 quyền mua được mua 1 cổ phần mới).
Trong đó, cổ đông sở hữu quyền mua có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phần của mình cho một hoặc nhiều người/tổ chức khác, bên nhận quyền mua sẽ không được chuyển nhượng cho bên thứ ba.
Dự kiến, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán theo hướng tốt nhất cho cổ đông, nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2020.
Giá trị sổ sách tại thời điểm 30/06/2020 là: 19.315 đồng/cổ phần (căn cứ Báo cáo tài chính giữa niên độ đã soát xét cho kì kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020).
Giá thị trường: bình quân giá đóng cửa của cổ phần FMC trong 20 phiên gần nhất (tính đến ngày 22/9/2020) là 31.850 đồng/cổ phần
Như đã đề cập, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán được sử dụng để tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy Thủy Sản Sao Ta.
Tỉ lệ chào bán thành công tối thiểu là 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán. Trong trường hợp chào bán không đạt tỉ lệ chào bán thành công, công ty sẽ sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác hoặc vay ngân hàng.
Tháng 8 vừa qua, Sao Ta cho biết hoạt động chế biến và tiêu thụ tôm đã tự phá vỡ các kỉ lục trước đó của mình. Cụ thể chế biến tôm 2.468 tấn, tiêu thụ 2.195 tấn, doanh số chung 23,6 triệu USD.
Doanh số chung 8 tháng đầu năm đạt 120,6 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kì năm 2019. Tỉ lệ này cao hơn tỉ lệ chung của ngành tôm khoảng 8%.
Công ty cho biết thêm nuôi tôm có gặp khó khăn là dịch bệnh tôm khá mạnh mẽ ở đồng bằng. Đây cũng là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu thời gian còn lại của năm của cả ngành chế biến tôm.
Trước đó vào tháng 7, thành phẩm tôm chế biến của Sao Ta đạt 2.268 tấn, doanh số 20,3 triệu USD. Đây là tháng có sản lượng chế biến và doanh số cao nhất trong 25 năm hoạt động.