Sáng nay, NHNN họp với các ngân hàng về vấn đề giảm lãi suất cho vay
Sáng 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cuộc họp mời các tổng giám đốc ngân hàng thương mại tham dự bàn về vấn đề triển khai việc giảm lãi suất cho vay.
Động thái diễn ra sau khi NHNN đã ban hành quyết định giảm loạt lãi suất điều hành vào chiều tối ngày 23/5, áp dụng chính thức từ 25/5.
Trước đó vào ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh ngân hàng và doanh nghiệp "phải đi chung con đường". Tuy nhiên, ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ tại cuộc họp lãnh đạo các ngân hàng thương mại lớn (Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank) đồng thuận sẽ tiếp tục "chắt chiu", tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Những động thái liên tiếp này cho thấy NHNN và hệ thống ngân hàng đang khá ráo riết thực hiện chủ trương về giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn hiện tại của nền kinh tế.
Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Nhận định về động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, các chuyên gia đánh giá đây là một quyết định kịp thời trong bối cảnh hiện tại bởi nếu không hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp rất khó để kích thích nền kinh tế cũng như đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cũng chưa thể giảm mạnh ngay được do trước đó các ngân hàng thương mại đã huy động lãi suất cao với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng. Nguồn vốn giá cao như vậy khiến chi phí vốn của ngân hàng cũng cao, kết hợp với chi phí vốn rẻ ở thời điểm hiện tại (lãi suất 6-7%) khiến chi phí vốn bình quân của ngân hàng vẫn ở mức khá cao.
Thông thường các chính sách lãi suất sẽ có độ trễ nhất định. Nhiều chuyên gia dự báo, một chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ khoảng hai quý nên phải đến quý III/2023, lãi suất mới có thể giảm mạnh.