|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sáng mai (21/9), Thủ tướng sẽ làm việc với 12 tập đoàn tư nhân lớn

20:06 | 20/09/2024
Chia sẻ
Sáng mai (21/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị Triển khai, làm việc với các tập đoàn tư nhân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ các dự án lớn.

 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ). 

Có 12 doanh nghiệp tư nhân được mời tham dự gồm: Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Sungroup; Tập đoàn Thaco; Tập đoàn Hòa Phát; Công ty cổ phần tập đoàn TH; Tập đoàn thủy sản Minh Phú; Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan; T&T Group; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico; Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE); Tập đoàn Geleximco; Tập đoàn KN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. 

Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích luỹ đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…

“Chỉ tính riêng năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

"Nuôi dưỡng" những doanh nghiệp đầu đàn 

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khu vực tư nhân nói riêng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào...

Thêm vào đó, môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện, hàng loạt thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng gần như kéo dài hoặc không triển khai được.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp rất cần có sự chia sẻ, đồng hành từ Chính phủ, các bộ ngành và đia phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện niềm tin kinh doanh, cải thiện thủ tục hành chính nhằm tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật thấp, điều kiện gia nhập thị trường và quá trình hoạt động của họ thuận lợi hơn.

"Cuộc họp của Thủ tướng với doanh nghiệp tư nhân trong thời điểm này là sự động viên, sự khích lệ rất lớn. Thể hiện sự cam kết đồng hành với các nhà đầu tư trong cải thiện môi trường kinh doanh, khắc phục được những khó khăn mà chúng ta gặp phải", ông Bình nêu rõ.

Còn theo ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, trong hai năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với khối doanh nghiệp này để lắng những chia sẻ về khó khăn, đề xuất và từ đó tạo ra nhiều giải pháp khả thi nhằm "nuôi dưỡng" những doanh nghiệp đầu đàn từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy vậy trên thực tế dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn song chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, tạo sức lan tỏa lớn.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp lớn hoạt động còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp…

Vì vậy, ông Lực cho rằng, hội nghị lần này không chỉ bàn về những khó khăn của các doanh nghiệp lớn và đề ra được giải pháp tháo gỡ, mà cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn.

"Những doanh nghiệp được nuôi dưỡng khi cũng phải có trách nhiệm xã hội cao hơn so với doanh nghiệp khác. Tức là luôn phải đi đầu trong các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh,...", ông Lực nêu rõ.

Ngọc Bảo

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.