|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất lương thực thay đổi do biến đổi khí hậu

10:04 | 30/10/2016
Chia sẻ
Tại Ninh Thuận, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Nông lương thực Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới lần 36 (năm 2016).

Dự báo giảm 7,2 triệu tấn lúa vào cuối thế kỷ

Ngày Lương thực thế giới năm nay nhấn mạnh đến vấn đề toàn cầu đang quan tâm, đó là an ninh lương thực trong bối cảnh BĐKH. Bởi BĐKH hiện đã tác động rất lớn tới an ninh lương thực. Rất nhiều người dân luôn trong tình trạng suy dinh dưỡng là nông dân, ngư dân và người chăn nuôi sản xuất nhỏ. Những người này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiệt độ tăng và khi có thảm họa liên quan đến thời tiết.

BĐKH làm cho những thảm họa này trầm trọng thêm và ngày càng tăng về cả tần suất cũng như cường độ. Nhiều người nông dân sẽ phải rất vất vả mới làm ra đủ lương thực và thu nhập để nuôi chính bản thân mình và gia đình. Đây cũng là trở ngại phát triển KT-XH...

Đại diện FAO cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thích ứng và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo dự báo, dân số thế giới đến 2050 sẽ lên tới 9,6 tỉ người. Để đáp ứng nhu cầu lương thực cho quy mô dân số đó, nông nghiệp và hệ thống thực phẩm không chỉ có khả năng chống chịu tốt hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn mà còn phải tăng cường đổi mới, sáng tạo cả về quy trình công nghệ và thực hành sản xuất tốt của chuỗi giá trị nông sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do BĐKH và thiên tai.

Theo thống kê, trong 30 năm qua, bình quân hàng năm số người chết và mất tích do thiên tai khoảng 500 người, thiệt hại kinh tế khoảng 1,5% GDP, ước tính thiệt hại có thể từ 3-5% GDP vào năm 2030.

Ngay trong năm 2015 và đầu 2016, Bộ NN&PTNT phải cùng chính quyền các địa phương (trong đó có tỉnh Ninh Thuận) và người dân phải nỗ lực hết sức mình khắc phục hậu quả mưa lũ ở phía Bắc; hạn hán khốc liệt ở miền Trung - Tây Nguyên; hạn và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long.

Theo số liệu thống kê, khoảng 400.000 ha đất canh tác đã bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau và khoảng 2 triệu người dân thiếu nước sinh hoạt.

"Những dự báo cho thấy nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ này. Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, chúng ta cần phải củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, quan tâm đến phụ nữ nông thôn và vấn đề bình đẳng giới trong nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh lương thực" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay.

FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

Ông JongHa Bae - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH. Hiện FAO đang hỗ trợ giúp nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và người dân sống ở rừng tăng cường năng lực để thích ứng với BĐKH, đồng thời tư vấn cách lồng ghép các thực hành vào chính sách quốc gia...

Năm 2016, Ninh Thuận hứng chịu hạn hán khốc liệt nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

Theo FAO, để các quốc gia “không còn người đói” trong bối cảnh phải thích ứng BĐKH, thì cần phải thay đổi 7 lĩnh lực liên quan đến lương thực và sản xuất nông nghiệp đó là: trồng trọt, tổn thất sau thu hoạch, lãng phí thực phẩm, ngư nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và tài nguyên thiên nhiên.

Dịp này, FAO cũng giới thiệu cuốn sách “Hướng dẫn lớp học hiện trường” - FFS (đây là tên gọi tiếng anh của lớp học về vấn đề biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu). Ông Matthias Halwart - Giám đốc

Chương trình toàn cầu về sản xuất nông nghiệp bền vững (FAO) cho biết, đến nay có rất nhiều nông dân sản xuất nhỏ được học qua FFS. FFS tạo cơ hội theo kế hoạch và nơi để nông dân, người chăn nuôi và ngư dân hiểu ý nhau, cùng sáng tạo và tạo điều kiện kiến thức, các công cụ khoa học kỹ thuật sao cho phù hợp...

"Sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm rủi ro BĐKH cần quản lý tài nguyên thật tốt, bằng cách không chặt quá rừng, sử dụng nước tiết kiệm..." - ông Matthias Halwart khuyến cáo thêm.

Thỏa thuận Paris về khí hậu sắp có hiệu lực Theo Bộ NN&PTNT, “Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” (SDG) với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể đã được 193 quốc gia thành viên thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2015. Tại Hội nghị các bên liên quan về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12/2015 ở Paris (Pháp), các nước đã thông qua Thỏa thuận Paris về khí hậu, trong đó đã đề cập đến tầm quan trọng của an ninh lương thực và ngày 4/11/2016 Thoả thuận này sẽ chính thức có hiệu lực. Trong 17 mục tiêu của Chương trình Nghị sự thì mục tiêu phát triển bền vững số 2 là “Chấm dứt đói nghèo ở mọi hình thức và mọi nơi” trên thế giới vào năm 2030 là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được mục tiêu này thì các nước phải vượt qua những thách thức ngày một lớn, trong đó có tác động bất lợi do biến đổi khí hậu.

Nguyên Kim