|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp tháng 9 có khởi sắc, mở ra hi vọng tăng trưởng trở lại những tháng cuối năm

15:14 | 03/10/2020
Chia sẻ
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 có sự khởi sắc khi tăng 2,3% so với tháng 8, kì vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2020.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kì các năm trước. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) là chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển ngành công nghiệp hàng tháng, quí, năm.

IIP là tỉ lệ phần trăm giữa khối lượng sản xuất công nghiệp tạo ra trong kì hiện tại so với khối lượng sản xuất công nghiệp kì gốc.

Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hi vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kì.

Ngành công nghiệp mở ra hi vọng khởi sắc vào những tháng cuối năm - Ảnh 2.

Ngành khai khoáng giảm 0,1% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kì; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kì; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kì. (Đồ họa: Minh Hằng).

Theo Bộ Công Thương, mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 9 có sự khởi sắc và đang dần khôi phục tuy nhiên vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ. 

Dự báo từ tháng 10/2020, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Tăng trưởng IIP 9 tháng thấp nhất trong 9 năm qua 

Tính chung 9 tháng năm 2020, IIP tăng 2,4% so với cùng kì năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kì năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ngành công nghiệp mở ra hi vọng khởi sắc vào những tháng cuối năm - Ảnh 3.

IIP tăng 2,4% so với cùng kì năm trước và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. (Đồ họa: Minh Hằng).

Dự báo nhu cầu nhiên liệu than giảm

Đối với nhóm ngành khai khoáng, bất chấp dịch COVID-19, một số ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng tốt.

Trong 9 tháng đầu năm, ngành dầu khí trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị nòng cốt đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong 9 tháng đầu năm.

Ngành công nghiệp mở ra hi vọng khởi sắc vào những tháng cuối năm - Ảnh 4.

Sản lượng khai thác khí 9 tháng ước đạt 7,05 tỉ m3, vượt 1,6% kế hoạch 9 tháng. (Ảnh minh họa: PVN).

Tổng sản lượng khai thác qui dầu 9 tháng ước đạt 15,68 triệu tấn, vượt 5,1% kế hoạch 9 tháng và bằng 69,6% kế hoạch năm.

Với ngành than, sản lượng than sạch tháng 9, ước đạt 3,76 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kì. Tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng than sạch ước đạt 36,21 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kì.

Theo báo cáo, do tác động của dịch COVID-19, nhiều ngành công nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản (trong đó có ngành công nghiệp thép, luyện kim) tiếp tục cắt giảm sản lượng, dẫn tới nhu cầu nhiên liệu than giảm. 

Điều này tác động tiêu cực tới việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 của Việt Nam sang các thị trường truyền thống này.

Nhiều hãng ô tô FDI đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất

Đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể với ngành dệt may, do tác động của dịch nên dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. 

Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại nên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tăng trưởng IIP của ngành tháng 9 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kì. Tính chung 9 tháng, IIP của ngành tăng 8,6% so với cùng kì năm trước.

Ngành công nghiệp mở ra hi vọng khởi sắc vào những tháng cuối năm - Ảnh 5.

Nhiều hãng ô tô FDI đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ. (Ảnh minh họa: Vinfast).

Với ngành sản xuất ô tô: sản lượng sản xuất ô tô tháng 9 năm 2020 tăng 10,8% so với cùng kì năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất ô tô ước giảm 11,8% so với cùng kì. 

Có thể nói, từ cuối tháng 6/2020, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ, nhiều hãng ô tô (kể cả các hãng FDI) đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất trong tương lai. Dự báo lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm tuy nhiên chỉ khoảng từ 3 - 5% so với năm 2019.

Sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 9 tháng của năm 2020 đều giảm do tác động của dịch bệnh.

Tuy nhiên, dự kiến từ tháng 9 đến cuối năm, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn do trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách xã hội.

Đối với nhóm ngành sản xuất và phân phối điện: Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 9 tháng năm 2020 đã được thực hiện tốt. Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất, phân phối điện 9 tháng tăng 2,8% so với cùng kì năm 2019.

Các tháng cuối năm, ngành điện tiếp tục tập trung vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống.

Minh Hằng