Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng vượt dự kiến bất chấp thuế quan của Mỹ

Công nhân Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua).
Sản lượng công nghiệp
Dữ liệu Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 19/5 cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 4 đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 7,7% của tháng 3. Tuy nhiên, mức tăng của tháng 4 vẫn cao hơn ước tính của các nhà phân tích mà Bloomberg khảo sát là 5,7%.
Diễn biến bất ngờ này cho thấy rõ sự bền bỉ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời thúc đẩy tâm lý lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của nước này sau khi Bắc Kinh đình chiến thương mại với Washington.
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giảm nhẹ so với tháng 3, từ 5,2% xuống 5,1%.
Số liệu sản lượng công nghiệp mới là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã tránh được một đợt sụt giảm sâu sắc trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thuế quan với Tổng thống Donald Trump.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 của Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn dự đoán, nhờ doanh nghiệp chuyển hướng bán hàng sang Đông Nam Á và châu Âu để bù đắp cho nhu cầu lao dốc từ Mỹ.
Tuần trước, một số ngân hàng quốc tế lớn bao gồm Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của Trung Quốc, dù họ vẫn nhận định Bắc Kinh sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5%.
Hai siêu cường đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày vào tuần trước. Nhiều nhà kinh tế cho rằng khoảng thời gian đình chiến sẽ cho chính phủ Trung Quốc có thêm thời gian trước khi cần phải triển khai thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Các nhà kinh tế của Citigroup viết trong lưu ý tuần trước: “Thỏa thuận tạm thời Mỹ - Trung có thể giúp giảm bớt các biến số xoay quanh thuế quan, đồng thời cho phép các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục duy trì lập trường chờ đợi và quan sát”.
Nhóm chuyên gia của Morgan Stanley dự đoán Trung Quốc có thể triển khai gói kích thích tài khóa quy mô lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 139 tỷ USD) vào quý IV. Trước đó, ngân hàng này dự kiến Trung Quốc sẽ tung ra 1.500 tỷ nhân dân tệ kích thích ngay trong quý III.
Doanh số bán lẻ
Ở diễn biến khác, doanh số bán lẻ tháng 4 chỉ tăng 5,1% so với một năm trước, thua kém số liệu tháng 3 và cũng thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của các khoản đầu tư cho tài sản cố định cũng chậm lại còn 4% trong 4 tháng đầu năm.
Doanh số bán lẻ suy yếu cho thấy chương trình trợ cấp mua sản phẩm tiêu dùng mới của chính phủ Trung Quốc đang dần mất đi hiệu quả. Điều này báo hiệu nền kinh tế vẫn cần thêm các chính sách trợ giúp.
Tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc hiện vẫn rất dễ bị tổn thương, một phần bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến làn sóng sa thải lớn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Theo các nhà kinh tế của Citigroup, tỷ trọng của tiền gửi có kỳ hạn trong mọi loại tiền gửi của hộ gia đình Trung Quốc đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 4. Điều này có thể cho thấy người tiêu dùng đang duy trì nỗ lực giảm gánh nặng nợ vay.