Chớ nên vội mừng khi Mỹ - Trung đình chiến, bài học hơn 6 năm trước vẫn còn đó

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, tháng 6/2019. (Ảnh: Getty Images).
12/5 có lẽ là ngày vui nhất của thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, khi các nhà đầu tư ăn mừng bước xuống thang căng thẳng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau các cuộc đàm phán tại Geneva (Thuỵ Sỹ) vào cuối tuần trước, Mỹ và Trung Quốc thông báo hai nước sẽ tạm thời hạ thuế quan đối với hàng hoá của nhau và cho cả hai thêm ba tháng để giải quyết những bất đồng.
Theo tuyên bố chung của hai nước, kể từ ngày 14/5, Washington sẽ giảm thuế quan đối với hầu hết hàng hoá Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Bắc Kinh hạ thuế quan đối với hàng hoá Mỹ từ 125% xuống 10%.
“Chúng tôi nhất trí rằng không bên nào muốn tách rời”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu tại cuộc họp công bố thoả thuận mới. Hai nước đều ghi nhận “tiến triển đáng kể” trong quá trình đàm phán.
Tuyên bố chung cũng cho biết “các bên sẽ thiết lập một cơ chế để tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại”.
Đến cuối ngày, trên một chương trình của CNBC, ông Bessent dự kiến hai nước sẽ gặp lại trong vài tuần tới để đàm phán “một thoả thuận trọn vẹn hơn”.
Và tại Nhà Trắng, trong cuộc họp báo nhằm công bố sắc lệnh hạ giá thuốc tại Mỹ, Tổng thống Trump phát tín hiệu ông có thể sẽ trò chuyện cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này.

Còn nhớ hơn 6 năm trước
Trong khi thị trường chào đón những thông tin tích cực gần đây, lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy hai bên sẽ mất nhiều thời gian để đạt một thoả thuận hoàn thiện hơn, nếu quả thực họ có thể đi đến một thoả thuận như vậy.
Liệu có bao nhiêu nhà đầu tư còn nhớ đến những ngày hè rực lửa của năm 2018, thời điểm bắt đầu cuộc chiến thương mại lần thứ nhất giữa hai siêu cường kinh tế thế giới?
“Phát súng” đầu tiên nổ ra vào ngày 6/7 khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% lên khoảng 34 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Bắc Kinh nhanh chóng đáp trả bằng mức thuế quan tương đương lên 545 sản phẩm Mỹ.
Xung đột thương mại leo thang vào ngày 23/8 khi Washington thông báo áp thuế 25% đối với 16 tỷ USD hàng hoá khác của Trung Quốc, trải dài trên nhiều danh mục như sắt thép, máy móc điện.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không ngồi im mà áp thuế trả đũa 25% lên 16 tỷ USD hàng hoá Mỹ, bao gồm xe máy Harley-Davidson cùng các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như rượu bourbon và nước cam.
Đến cuối tháng 9, thế giới bị sốc khi thương chiến bùng nổ: Mỹ đánh thuế 10% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc phản đòn bằng cách áp thuế hải quan lên 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ.
Mãi đến ngày 1/12, nền kinh tế toàn cầu mới được dịp thở phào khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập - bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina - đồng ý đình chiến trong 90 ngày để mở đường cho các cuộc đàm phán thiết thực hơn. Khi đó, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ mua lượng “đáng kể” hàng xuất khẩu của Mỹ.

Mốc thời gian sau đó hơn 6 tháng là thời điểm thị trường nên quan tâm, bởi đây có thể là một bài học cho cuộc thương chiến lần thứ hai này.
Ngày 10/5/2019, đàm phán đổ vỡ, ông Trump nổi giận và quyết định tăng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc từ 10% lên 25%. Trung Quốc cũng khẩn trương hành động và các mức thuế quan mới có hiệu lực từ ngày 1/6.
Động thái leo thang của hai nước đã làm xáo trộn hoạt động thương mại toàn cầu, buộc doanh nghiệp phải khởi xướng những xu hướng mới như near-shoring (đưa chuỗi cung ứng về gần Mỹ) hoặc friend-shoring (đưa dây chuyền đến các nước thân thiện với Mỹ). Cho đến nay, quá trình dịch chuyển này vẫn chưa hoàn tất.
Vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là trung tâm sản xuất toàn cầu, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong số tất cả đối tác thương mại, Mỹ có mức thâm hụt lớn nhất với họ. Năm ngoái, mức thâm hụt gần chạm mốc 300 tỷ USD.
Song, ông Trump không coi mức thâm hụt thương mại hàng hoá đó là bình thường. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo 78 tuổi, đó là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ bị “lừa gạt” và đối xử bất công.
Vì vậy, nhìn từ câu chuyện hơn 6 năm trước và lập trường cho đến nay vẫn không đổi của ông Trump, chưa có gì đảm bảo sau giai đoạn đình chiến 90 ngày tới đây, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thoả thuận thoả lòng đôi bên.
Bản chất phức tạp
Hẳn là một số nhà đầu tư vẫn còn nhớ rằng Mỹ và Trung Quốc đã ký thoả thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1/2020. Thoả thuận này được trình bày chi tiết trong một tập tài liệu dài 91 trang.
Các nhà đàm phán mất một năm rưỡi để chốt thoả thuận, nhưng văn bản 91 trang ấy không giúp hai nước dỡ bỏ các mức thuế quan đã ban hành. Trung Quốc cũng không giữ lời hứa mua thêm 200 tỷ USD hàng hoá Mỹ mỗi năm.
Điều đó khiến thoả thuận năm 2020 trở thành một khuôn mẫu tồi để giải quyết tình thế bế tắc hiện tại, bao gồm cả vai trò của Trung Quốc trong hoạt động buôn lậu ma tuý fentanyl vào Mỹ lẫn tương lai của ứng dụng TikTok.

Một vật cản khác khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khó đạt một thoả thuận trọn vẹn và hiệu quả hơn là mức thâm hụt thương mại hàng hoá khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.
Lượng hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc vào năm 2024 thấp hơn gần 20% so với năm 2018. Tuy nhiên, khi bao gồm cả lượng hàng hoá gián tiếp đi qua các nước thứ ba, Mỹ có thể đang tiếp nhận nhiều hàng hoá Trung Quốc hơn so với trước đây.
Trong giai đoạn 2017 - 2024, xu hướng dần tách rời giữa hai siêu cường đã làm giảm tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ khoảng 8 điểm % xuống còn 13%, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Song, tổng kim ngạch nhập khẩu từ châu Á đã tăng hơn 20% lên 1.300 tỷ USD. Tỷ trọng của Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn cầu cũng đi lên. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng hàng hoá từ đất nước tỷ dân sang Mỹ thông qua những thị trường khác.
Ông Trump muốn cân bằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc để xoá bỏ mức thâm hụt khổng lồ đó. Nhưng thật khó để biến tham vọng đó thành hiện thực, ngay cả khi ông áp thuế đối ứng lên các đối tác khác nhằm tìm kiếm những nhượng bộ từ họ.
Việc buộc các công ty Trung Quốc sản xuất thêm hàng hoá tại Mỹ, thay vì để các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu từ nước ngoài, sẽ mất nhiều năm và làm tăng chi phí do chênh lệch tiền lương giữa hai nước.
Quan trọng là, đầu tư của Trung Quốc ngày càng không được chào đón tại Mỹ. Các quyết định gần đây của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Hyundai Motor nhằm tăng cường sản lượng tại Mỹ khiến ông Trump hài lòng.
Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng rằng Washington sẽ vui vẻ nếu các công ty hàng đầu Trung Quốc như ông lớn công nghệ Huawei - cái tên từng rơi vào vòng xoáy thương chiến lần một - hay hãng xe điện BYD sản xuất hàng hoá cho người Mỹ.
Vấn đề nữa là câu chuyện cố hữu liên quan đến quy mô của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc lớn gấp 4 lần Mỹ và sản lượng của ngành sản xuất Trung Quốc đã vượt qua Mỹ cách đây hơn 15 năm, theo dữ liệu của World Bank.
Có hai yếu tố làm trầm trọng thêm vấn đề quy mô của Trung Quốc. Thứ nhất, mô hình phát triển kinh tế do đầu tư dẫn dắt của Bắc Kinh đã góp phần gây ra tình trạng dư thừa công suất công nghiệp trong nước.
Và thứ hai, theo tầm nhìn Made in China 2025 mà Bắc Kinh vạch ra vào năm 2015, nước này đặt mục tiêu thống trị toàn cầu trong 10 lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất công nghệ cao.
Mặc dù Trung Quốc đã hạ thấp tầm quan trọng của tầm nhìn đó trong những năm gần đây, các cường quốc phương Tây vẫn tiếp tục nhắc đến nó. Phát biểu của ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, vào giữa tháng 4 là một ví dụ.
Khi đó, ông Eskelund bình luận: “Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục các chính sách theo phong cách Made in China 2025 hoặc áp dụng các chiến lược có mục tiêu và bền vững hơn để tự chủ về công nghệ, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài”.
Trong tương lai gần, Tổng thống Trump có thể chỉ muốn sử dụng thuế quan như một công cụ để thể hiện ưu thế với Bắc Kinh. Song, chia sẻ với Reuters, Phó Giám đốc Christopher Beddor của hãng tư vấn Gavekal cho rằng Trung Quốc sẽ coi đó là nỗ lực toàn diện nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ, bất kể căng thẳng có giảm bớt hay không.
Trong những tuần gần đây, ông Trump đã mô tả cuộc chiến thương mại là một nỗ lực nhằm tập hợp các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chống lại Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến Mỹ khó đạt thoả thuận với ông Tập hơn.
