Sàn giao dịch hàng hóa: Rộng cửa cho hàng hóa Việt tiệm cận với giao dịch của thế giới
Tại buổi ra mắt Sàn giao dịch hàng hóa phía Nam diễn ra ngày 25/10 tại TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, cho biết hiện nay khu vực phía Nam và Tây Nguyên là thị trường tiềm năng, giao dịch hàng hóa tại đây chiếm 80% tổng khối lượng và giá trị giao dịch của sở.
Trong đó, chỉ riêng TP HCM đã chiếm 60%.
Đáng chú ý, trong 6 tháng qua, sau khi Chính phủ cho phép sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam được liên thông với các sàn giao dịch thế giới, khối lượng và giá trị giao dịch hàng hóa qua sở giao dịch tăng đột biến 200%.
Trong đó, mặt hàng nông sản như bắp, ngũ cốc và nhóm kim loại như quặng sắt, dây cáp đồng… được giao dịch nhiều nhất. Dự tính cuối năm nay, Sở sẽ đưa thêm nhóm mặt hàng năng lượng lên sàn và sau đó là hồ tiêu.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.
"Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Gia vị Ấn Độ để nghiên cứu đề án đưa mặt hàng hồ tiêu lên giao dịch tại Sở", ông Quỳnh cho biết thêm.
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam là tổ chức giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia duy nhất hiện nay, có qui mô hoạt động toàn quốc. Việc thúc đẩy phát triển mô hình giao dịch hàng hóa qua sàn được xem là bước đi quan trọng để ổn định giá cả, tạo ra kênh đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Đồng thời khi Công ty Lucky Win của Công ty Cổ phần Dịch vụ HT Việt Nam (HTS) trở thành thành viên thứ 8 của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, theo ông Quỳnh cho thấy sự phát triển của thị trường hàng hóa tại Việt Nam cũng như cơ hội đầu tư của khách hàng và nhà đầu tư trong tương lai là rất tiềm năng.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp kinh doanh nông sản, những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh có thể giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam để bảo kiểm giá, chi phí và chốt lợi nhuận, tránh tình trạng được mùa mất giá, đưa giao dịch hàng hóa Việt Nam tiệm cận với giao dịch hàng hóa thế giới.
Theo đó, sàn giao dịch hàng hóa có tên miền giao dịch là giaodich24.com và đại diện của sàn giao dịch ở khu vực phía Nam là Công ty CP LucKy Win.
Ảnh chụp giao diện trang web sàn giao dịch hàng hóa phía Nam giaodich24.com.
Hiện nay, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có 8 thành viên kinh doanh, 5 thành viên môi giới. 4 nhóm mặt hàng giao dịch bao gồm: nông sản, kim loại, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng.
Riêng nhóm năng lượng đang trình hồ sơ xin cấp phép giao dịch lên Bộ Công thương. Nông sản đang là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất với 2 loại cà phê và 5 loại ngũ cốc.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng sàn giao dịch hàng hóa đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi về thông tin lượng hàng xuất đi, giá cả từng chủng loại, thị trường, góp phần giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu...
Đáng chú ý, Nghị định 51/2018/NĐ-CP cho phép các sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam liên thông với sàn giao dịch hàng hóa thế giới và cho phép các sàn giao dịch hàng hóa được niêm yết giao dịch tất cả các mặt hàng mà Nhà nước không cấm và những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh, bình ổn thị trường và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Ngoài ra, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đang hướng đến niêm yết các hàng hóa thế mạnh của Việt Nam nhưng chưa có mã niêm yết trên các sàn quốc tế như tiêu, điều...