|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Săn cổ tức tiền mặt khủng hàng trăm phần trăm

20:30 | 07/06/2024
Chia sẻ
Phần lớn các doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt cao top trên thị trường đều có cơ cấu cổ đông cô đặc, cổ phiếu có thị giá cao với thanh khoản thấp.

Cổ tức vài trăm phần trăm

Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của CTCP Bao Bì Tân Tiến (Mã: TTP) đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ cao kỷ lục 350% (35.000 đồng/cp).

Với hơn 13,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi 473 tỷ đồng để trả cổ tức. Doanh nghiệp đã thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 24/5 để thực hiện quyền chi trả cổ tức năm 2023. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 14/6. 

Đây là năm công ty mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông nhất kể từ khi lên sàn. Mọi năm, tỷ lệ cổ tức tiền mặt chỉ dao động quanh 5% - 15%.

Tính tới hết quý I, Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) là công ty mẹ, sở hữu 88,16% vốn của TTP. 

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TTP dừng ở mốc 110.400 đồng/cp kết phiên 7/6. Với cơ cấu sở hữu cô đặc nên thanh khoản của cổ phiếu thường ở mức thấp, chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên thậm chí có phiên chỉ có vài trăm cổ phiếu được trao tay.

Công ty chia cổ tức cao kỷ lục trong bối cảnh năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 1.734 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với thực hiện 2023. Song lãi sau thuế gấp 3,3 lần năm 2022, đạt 153 tỷ và cũng là năm báo lãi cao kỷ lục. Dù báo lãi lớn song số tiền chia cổ tức vẫn gấp 3 lần lợi nhuận cả năm 2023.

Một doanh nghiệp khác cũng được ĐHĐCĐ thường niên gần đây thông qua phương án trả cổ tức tiền mặt cao năm 2023 là CTCP Vinacafé Biên Hòa (Mã: VCF) với tỷ lệ 250% (25.000 đồng/cp).

Các năm 2020, 2021, VCF cũng mạnh tay trả cổ tức 250% bằng tiền, riêng năm 2022 doanh nghiệp không trả cổ tức.

Hiện VCF có gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương số tiền chi cho cổ tức năm 2023 khoảng 664 tỷ đồng. Số tiền trả cổ tức của VCF năm 2023 cao hơn 48% so với mức lợi nhuận sau thuế năm qua (450 tỷ).

Cơ cấu cổ đông của VCF cũng cô đặc khi 98,79% vốn của doanh nghiệp do Công ty TNHH MTV Masan Beverage - đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan sở hữu.

Cổ phiếu VCF chốt phiên 7/6 ở mức 217.800 đồng/cp. VCF thường xuyên không có giao dịch và thanh khoản nhiều phiên chỉ vài trăm đơn vị.

 Ảnh: Fomeco.

Vào ngày 11/6, CTCP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco - Mã: FBC) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. Trong đó, doanh nghiệp sẽ trình phương án trả cổ tức tỷ lệ 200% bằng tiền (20.000 đồng/cp). Tổng số tiền dự chi là 74 tỷ đồng, tương đương gần 68% số lợi nhuận đạt được năm qua của FBC.

FBC là công ty con do Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA) nắm 51% vốn.

Đáng nói mức cổ tức của FBC gấp 5,4 lần giá cổ phiếu FBC chốt phiên 6/6 (3.700 đồng/cp). Cổ phiếu FBC cũng thường xuyên không có thanh khoản.

CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (Mã: PAT) cũng là một doanh nghiệp trả cổ tức cao năm 2023. ĐHĐCĐ thường niên năm nay đã thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 100% (10.000 đồng/cp) và đã tạm ứng xong vào cuối năm ngoái và tháng 4/2024.

Tổng số tiền chi cho cổ tức 2023 là 250 tỷ đồng. Năm 2024, PAT dự kiến mức chia cổ tức là 70%. Hiện Công ty TNHH Hoá chất Đức Giang - Lào Cai - đơn vị thành viên của Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), là công ty mẹ nắm 51% vốn của PAT. 

Hay đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bến xe là CTCP Bến xe Miền Tây (Mã: WCS) cũng nằm trong top trả cổ tức cao hàng năm. Năm 2023, WCS được thông qua mức cổ tức tiền mặt tỷ lệ 160% (16.000 đồng/cp). WCS đã tạm ứng trước tỷ lệ 144% vào tháng 3 và dự kiến trả nốt cổ tức 16% vào ngày 21/6.

84% cổ phần của WCS nằm ở ba doanh nghiệp Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV (51%), America LLC (23%) và CTCP Đầu tư Thái Bình (10%). 

Doanh nghiệp lớn chi kỷ lục

ĐHĐCĐ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) đã chốt mức cổ tức năm 2023 cao kỷ lục với tỷ lệ 60% bằng tiền (6.000 đồng/cp) trong khi các năm trước cổ tức chỉ quanh ngưỡng 30 - 35%.

Với gần 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền dự chi là 13.780 tỷ đồng, vượt cả con số lợi nhuận ròng năm qua (11.606 tỷ).

Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang là công ty mẹ nắm 95,76% vốn của PV GAS và PVN có thể thu về 13.195 tỷ đồng. Chốt phiên 7/6, cổ phiếu GAS đạt 80.300 đồng/cp. 

Ảnh: PV GAS.

Một doanh nghiệp trong ngành dược phẩm có mức chi trả cổ tức cao năm 2023 là CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG).

Ông lớn số 1 ngành dược chốt chi trả cổ tức bằng tiền với con số kỷ lục 75% (7.500 đồng/cp) và số tiền dự chi là 981 tỷ đồng. 

Về thanh toán cổ tức đợt 1 năm 2023 với tỷ lệ 40% bằng tiền, Dược Hậu Giang dự kiến ngày chốt danh sách cổ đông là 12/6 và ngày thanh toán là 26/6.

Cổ tức đợt 2 với tỷ lệ 35% bằng tiền sẽ chốt ngày 9/8 là ngày đăng ký cuối cùng. Ngày thanh toán dự kiến là 21/8.

CTCP Sữa Quốc tế (Mã: IDP) cũng được thông qua mức cổ tức cao kỷ lục năm 2023. Trong đó, IDP đã tạm ứng cổ tức đợt 1 tỷ lệ 85% (8.500 đồng/cp) và dự kiến còn một đợt chia cổ tức. ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia, thời gian và phương thức chi trả.

VEAM đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội. Trong đó, doanh nghiệp đề xuất dành 6.691 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền. Hiện VEAM có hơn 1,328 tỷ cổ phiếu đang lưu hành tức cổ tức khoảng 5.035 đồng/cp.

Cổ phiếu VEA đang hút dòng tiền khi một tháng qua đã tăng 30%, chốt phiên 7/6 ở mức 48.200 đồng/cp.

 Diễn biến giá cổ phiếu VEA từ đầu năm đến nay. (Ảnh: TradingView).

Nhóm doanh nghiệp thuỷ điện ghi nhận một số đơn vị trả cổ tức tiền mặt cao năm 2023 như CTCP Thuỷ điện A Vương (Mã: AVC) với tỷ lệ 118,54%, CTCP Thuỷ điện Thác Mơ (Mã: TMP) tỷ lệ 89,83%, CTCP Thuỷ điện Sông Ba Hạ (Mã: SBH) với tỷ lệ 77,7%.

HK