Samsung nhắm tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 35%
Samsung đang hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 35%. |
Tiêu chuẩn toàn cầu là không đơn giản
Samsung Việt Nam năm nay tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt, trong đó có Công ty TNHH điện - điện tử Mê Trần (Vĩnh Phúc). Tính đến tháng 5, số sản phẩm đạt được là 720/người và không có hàng bị trả lại.
Ông Bùi Mạnh Tưởng, Giám đốc Mê Trần, cho biết, các hoạt cải tiến thao tác trong công đoạn từ vật tư cao su đổi thùng đựng đã giúp cho thời gian làm việc giảm từ 34 giây xuống 5 giây. Cạnh đó, cải tiến khoảng cách di chuyển vật tư giữa các công đoạn cũng được giảm đáng kể, từ 24m giảm xuống 3m. Những cải tiến này sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu tăng năng suất.
Ngay cả những doanh nghiệp như Công ty TNHH 4P ở Hưng Yên, doanh nghiệp nội địa duy nhất cung cấp bản mạch điện tử cho LGE tại Việt Nam, Samsung vẫn áp dụng những hỗ trợ cần thiết, để giúp doanh nghiệp này cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Trí , Tổng giám đốc 4P thừa nhận “không đơn giản” để được cung cấp bản mạch điện tử cho Samsung do Tập đoàn này rất khắt khe quy mô, trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật và sự chuyên nghiệp cao.
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, tuần trước đã có chuyến khảo sát năng lực của 4P, Mê Trần và Bưu điện Postef, để thẩm định năng lực của 3 đối tác này.
Tại Công ty 4P, ông Shim Won Hwan yêu cầu phải cải thiện nhận thức của người lao động về các trang thiết bị, như “phòng sạch” trong công ty. Theo ông, việc người lao động sử dụng đúng cách “phòng sạch”, một công đoạn khoa học trong quá trình sản xuất, mới có thể phòng trách rủi ro cũng như các sự cố về chất lượng sản phẩm.
Trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận hỗ trợ của Samsung, ông Kim Kyung Tae, chuyên gia cấp cao của Samsung, cho rằng, hiệu suất và quản lý đang là những hạn chế của các công ty này, dù các phương pháp 5S hay 3D làm khá bài bản.
Khó hơn với Bộ tiêu chuẩn vendor
Ông Kim Kyung Tae, người đã làm việc tại Samsung hơn 30 năm, cho rằng, để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá các vender (nhà cung cấp) của Samsung.
Thế nhưng để đáp ứng được bộ tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị rất nhiều, đặc biệt là hệ thống hóa các văn bản, tài liệu của mình. Chưa hết, Samsung cũng có những chỉ tiêu đánh giá khác liên quan đến môi trường, tiềm năng tài chính của vendor. Trên thực tế, để vượt qua được tất cả các tiêu chí đánh giá đó, ông Kim nói là “điều không đơn giản”.
Ông Kim chia sẻ, tại Mê Trần, một công ty cơ khí, sản xuất linh kiện xe máy, sau 3 tháng thực hiện các hoạt động cải tiến, có một số yếu tố kỹ thuật vẫn chưa thể đánh giá hết. Trong khi đó, việc những sản phẩm lỗi của Mê Trần lọt ra thị trường, gây tai nạn, ông nói là "dự đoán được".
“Mục tiêu tăng năng suất là quan trọng nhưng điều Mê Trần cần quan tâm là chất lượng sản phẩm”, ông Kim khuyến cáo. Theo ông, Mê Trần nên đẩy mạnh cải tiến theo hướng nâng cao thêm hiệu suất và tăng cường hơn hiệu quả về quản lý.
Như vậy, sự kiên trì trong nhiều năm đã giúp Samsung có được 308 nhà cung ứng. Trong đó, số các doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 đã tăng từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp vào năm 2017, để tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Việc có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, theo ông Ha Chan Ho, cố vấn chiến lược của Samsung, một mặt đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng mặt khác, giúp Samsung giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận.
Thực ra, con số này giúp Samsung đến gần hơn mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên mức 35%, cũng như việc thực thi cam kết này là thật. Theo ông Ha, Samsung đang xem xét khả năng hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng, đặc biệt là những doanh nghiệp được đánh giá tốt về cải tiến quy trình sản xuất sau khi được hỗ trợ từ chuyên gia Hàn Quốc.