Samsung đẩy mạnh sản xuất điện thoại thông minh, xuất khẩu điện thoại và linh kiện có thể phục hồi trong tháng 8
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho biết sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng tốc nhờ Samsung đẩy mạnh sản xuất điện thoại thông minh.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,7% so với cùng kỳ, mức nhanh nhất trong 6 tháng. So với tháng trước, chỉ số này cũng cải thiện đáng kể (tăng 3,9% so với 2% trong tháng 6).
Theo MBKE, có sự cải thiện trên diện rộng trong lĩnh vực sản xuất (tăng 3,6% so với mức 2,9% trong tháng 6), điện và khí đốt (tăng 4,1% so với 3% trong tháng 6), khai thác mỏ (tăng 4%) và cấp nước và quản lý chất thải (tăng 8,3 %).
Cụ thể, sản lượng sản xuất tăng 4,2% so với tháng trước, có thể được hỗ trợ bởi việc Samsung đẩy mạnh sản xuất điện thoại thông minh.
Galaxy Flip 5 và Fold 5 đã được ra mắt vào ngày 26/7 để đặt hàng trước và sẽ được bán lẻ trong vài tuần tới.
Sản lượng máy tính, điện tử và quang học tăng 12% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 1,9% so với cùng kỳ, với mức tăng theo tháng dẫn dắt bởi thiết bị truyền thông (tăng 16,1%).
Sản lượng công nghiệp tại Bắc Ninh và Thái Nguyên (nơi tập trung phần lớn sản lượng điện thoại của Samsung) tăng lần lượt tăng 23,8% và 9% so với tháng trước, vượt trội so với các khu vực công nghiệp lớn khác trong nước.
So sánh với năm trước, sản phẩm thực phẩm (tăng 11,4%), thuốc lá (tăng 14,4%), dệt may (tăng 10,8%), hóa chất (tăng 15,3%), dược phẩm (tăng 12,2%), kim loại cơ bản (tăng 15,4%) và sản phẩm kim loại chế tạo (tăng 23,3%) là điểm sáng.
Tăng trưởng của những mảng này bù đắp cho kết quả yếu của hàng may mặc (tăng 0,2%), giày dép (giảm 0,4%), sản phẩm gỗ (giảm 7,3%), sản phẩm giấy (giảm 2,2%), máy móc thiết bị khác (giảm 5,5%) và xe cơ giới (giảm 6,6%).
Khối phân tích cũng đề cập đến một điểm sáng khác trong tháng 7 là đà giảm xuất khẩu được thu hẹp đáng kể nhờ máy tính và điện tử.
So với cùng kỳ, xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%, đây là lần giảm tháng thứ 5 liên tiếp, nhưng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2 do mức so sánh thấp. Trước đó trong tháng 6, xuất khẩu giảm 11% trong tháng 6) so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tăng chậm hơn ở mức 0,8% so với tháng trước (so với mức 5% trong tháng 6).
Nhập khẩu giảm 9,9% so với cùng kỳ (so với mức giảm 18% trong tháng 6) trong khi tăng 4,4% so với tháng trước (trước đó tháng 6 tăng 1,3%), dẫn đến thặng dư thương mại thu hẹp (2,2 tỷ USD so với 3,1 tỷ USD trong tháng 6).
Xuất khẩu được hỗ trợ bởi máy tính và thiết bị điện tử (tăng 32% so với mức giảm 3,5% trong tháng 6) đạt mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021 sau 4 tháng giảm liên tiếp.
Xét theo tháng, mặt hàng này ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn ở mức 2,6% (so với tăng 13,2% trong tháng 6).
Ngược lại, so với cùng kỳ, điện thoại và linh kiện (giảm 18,4% so với mức giảm 6,8% trong tháng 6) ghi nhận mức giảm sâu hơn và giảm 10,2% so với tháng 6 (so với tăng 37,2% trong tháng 6).
Tuy nhiên MBKE dự báo mặt hàng xuất khẩu này có thể phục hồi vào tháng 8 nhờ những đơn hàng của điện thoại thông minh mới ra mắt từ Samsung.
Điện thoại, linh kiện và máy tính, đồ điện tử là hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm lần lượt 15,6% và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác tiếp tục suy giảm gồm hàng dệt may (giảm 13,5% so với mức giảm 15,1% trong tháng 6), máy móc, thiết bị và dụng cụ (giảm 21,5% so với mức giảm 20,5% trong tháng 6); giày dép (giảm 18,7% so với mức giảm 17,5% trong tháng 6) ); gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 12,7% so với mức giảm 23,3% trong tháng 6) và thủy sản (giảm 15% so với mức giảm 23,4% trong tháng 6).
Dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc (tăng 42,2% so với mức tăng 28,7% trong tháng 6) đã tăng tốc tháng thứ ba liên tiếp, một phần do cơ sở so sánh thấp hơn (xuất khẩu đã giảm1,5% vào tháng 7 năm ngoái).
Xuất khẩu sang Mỹ (giảm 20,5% so với mức giảm 25,5% trong tháng 6), EU (giảm 5,8% so với mức giảm 15,4% trong tháng 6) và ASEAN (giảm 8% so với mức giảm 20,3% trong tháng 6) vẫn trong tình trạng sụt giảm, mặc dù ở tốc độ giảm đã nhẹ hơn.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 3,3% (so với mức giảm 0,6% trong tháng 6), trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản (giảm 10,5% so với mức giảm 4,6% trong tháng 6) giảm nhiều nhất kể từ tháng 1.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/