|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Saigonbank sắp có Chủ tịch HĐQT sau hơn 1 năm bỏ trống?

07:16 | 12/09/2019
Chia sẻ
Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tới đây của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) sẽ xoay quanh vấn đề bầu Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024.
Saigonbank sắp có Chủ tịch HĐQT sau hơn 1 năm bỏ trống? - Ảnh 1.

Saigonbank chuẩn bị có ‘tân’ Chủ tịch HĐQT sau hơn 1 năm bỏ trống.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa công bố thông tin về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019.

Nội dung đại hội sẽ xoay quanh vấn đề bầu Thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024 và các nội dung khác (nếu có).

Cách đây hơn 1 năm, cụ thể ngay tại thời điểm chuẩn bị diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2018, bộ máy thượng tầng của SGB đã có những biến chuyển lớn khi ông Phạm Văn Thông - Chủ tịch HĐQT Saigonbank, thôi giữ nhiệm vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017, từ ngày 19/6/2018.

Sau khi ông Thông rời ghế Chủ tịch, ông Vũ Quang Lãm - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Saigonbank - cũng thôi giữ chức danh Tổng giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017.

Trong khi đó, bà Võ Thị Nguyệt Minh - Phó Tổng giám đốc thường trực sẽ chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Saigonbank thay cho ông Lãm.

Saigonbank sắp có Chủ tịch HĐQT sau hơn 1 năm bỏ trống? - Ảnh 2.

Trên trang chủ Saigonbank, ngân hàng giới thiệu bộ máy HĐQT.

Tính đến thời điểm hiện tại, bộ máy lâm thời này đã hoạt động được hơn 1 năm.

Được biết, nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 chỉ đề cập tới các vấn đề báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh 2018, kế hoạch kinh doanh năm 2019,… mà không nhắc đến việc tổ chức bộ máy Thành viên HĐQT.

Do đó, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sắp tổ chức tới đây nhiều khả năng nhằm chính thức hóa bộ máy lâm thời, hoặc thậm chí bầu thay thế/bổ sung các thành viên mới.

Trước thềm cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường này, bộ máy Tổng Giám đốc Saigonbank vào đầu tháng 9/2019 có sự thay đổi khi ông Trần Thanh Giang giữ chức danh Tổng Giám đốc, ông Trần Quốc Thanh và ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh cùng giữ chức danh Phó Tổng giám đốc.

Tăng vốn - Bài toán khó đặt ra với bộ máy HĐQT mới?

Saigonbank là nhà băng nhỏ nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, với mức vốn điều lệ vỏn vẹn 3.080 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ là nhu cầu bức thiết nhằm giúp ngân hàng có thêm nguồn lực kinh doanh, tăng sức cạnh tranh,… và đặc biệt là áp chuẩn Basel II.

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, Saigonbank từ năm 2014 đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ lên 4.000 tỷ và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn lên 4.080 tỷ đồng. 

Thậm chí, tháng 3/2016, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhà băng này chưa tăng nổi một đồng vốn nào.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, lãi trước thuế SGB đạt 88,4 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 50,5% kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên đề ra.

Dù vậy, thực tế cho thấy cổ phiếu Saigonbank rất hấp dẫn. Điều này đến từ giấy phép hoạt động ngân hàng, vốn gần như không được cấp mới từ hơn một thập kỷ nay, cùng khối bất động sản có giá mà nhà băng này đang sở hữu, như Khách sạn Riverside Hotel mặt đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 hay Khách sạn Riverside Hotel 2 ở Sapa, Lào Cai...

Chẳng thế, Vietcombank và Vietinbank đều bán đấu giá cổ phần Saigonbank với mức giá rất cao (giá trúng bình quân là 20.100 đồng/cổ phần với Vietcombank và 20.204 đồng/cổ phần với Vietinbank), cao gấp 2 lần so với mức giá SGB giao dịch hiện tại trên sàn OTC (9.183 đồng/cổ phần tính đến ngày 11/9/2019).

Giới đầu tư đánh giá, một trong các nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của Saigonbank đến từ các cổ đông lớn nắm tới 65% vốn nhà băng, trong đó, đặc biệt cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm hơn 18% vốn.

Vào cuối năm 2014, thị trường từng có nhiều đồn đoán xoay quanh cuộc “hôn nhân” giữa Saigonbank – Vietcombank.

Tuy vậy, sau những nhùng nhằng về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, chính cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM từ chối sáp nhập Vietcombank. Trong khi, M&A được xem là giải pháp khả thi nhất cho nhà băng này, nhất là khi nợ xấu tăng cao.

Việc Văn phòng Thành ủy TP.HCM và một số cổ đông nhà nước rục rịch thoái vốn được giới đầu tư kỳ vọng  sẽ giúp Saigonbank sớm thay da, đổi thịt.

Kỳ vọng này có thể sẽ sớm thành hiện thực khi vào tháng 10/2018, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay TP.HCM sẽ có nghị quyết về hoạt động kinh tế Đảng, ông cho biết, "Lâu nay, Văn phòng Thành ủy cũng có hoạt động kinh tế như cho thuê các cơ sở nhà đất của Thành ủy để tạo nguồn thu, nhưng sắp tới không làm nữa. 

Chúng ta cơ cấu lại lĩnh vực nào tiếp tục kinh doanh, lĩnh vực nào không tiếp tục kinh doanh nữa. Ví dụ không đầu tư vào ngân hàng nữa vì rủi ro rất lớn".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hóa Khoa