|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rủi ro chưa hết trong bảo lãnh vay nợ chính phủ

08:09 | 17/03/2017
Chia sẻ
Trên thực tế, từ trước đến nay chỉ có doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ bảo lãnh vay nợ hoặc đứng ra trả thay khi các khoản vay lớn không trả được. Trong khi đó, nợ xấu của DNNN có nguy cơ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng hoặc nợ chính thức của Chính phủ là bao nhiêu thì không rõ.
rui ro chua het trong bao lanh vay no chinh phu
Ảnh minh họa. Nguồn: Kinh Tế Sài Gòn.

Nhiều văn bản của Chính phủ về đảm bảo an toàn nợ công giai đoạn 2020 đến 2030 ghi rõ việc giảm dần cấp bảo lãnh chính phủ từ năm 2016 và tạm dừng cấp bảo lãnh mới từ năm 2017. Như tuyên bố mới nhất của Bộ Tài chính hôm 1-3-2017 là ngay từ năm nay đã dừng cấp bảo lãnh chính phủ đối với các dự án vay nợ trong nước và chỉ cấp bảo lãnh cho một dự án vay vốn nước ngoài của Tổng công ty Truyền tải Việt Nam có trị giá 170 triệu đô la Mỹ.

Như vậy là chưa đến lúc phải lo đến các khoản bảo lãnh mới vì Chính phủ cũng không còn dễ dàng đứng ra bảo lãnh như trước. Vấn đề là các khoản nợ được bảo lãnh trong những năm gần đây và các khoản nợ đã đến hạn trả mà Chính phủ đã, đang và sẽ phải trả thay như thế nào thì không ai rõ. Với những thông tin thực tế thì con số dự án được Chính phủ bảo lãnh chưa giảm dần như mục tiêu và số dự án bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ hiện còn khá nhiều.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 7-2016, Chính phủ báo cáo với Quốc hội rằng tổng số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn 2011-2015 là 464.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 11% so với GDP. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất được Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn nguồn Bộ Tài chính công bố, con số này đến hết năm 2015 là 568.500 tỉ đồng, cao hơn số báo cáo hồi tháng 7-2016.

Báo cáo của Chính phủ thống kê các dự án cho vay chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực điện lực, dầu khí, hàng không và một số dự án xi măng, sản xuất giấy (các dự án này hầu hết mất khả năng chi trả và Chính phủ đã phải đứng ra trả nợ thay nhiều năm nay). Tuy nhiên, thống kê chỉ cho biết về số doanh nghiệp được bảo lãnh vay nợ, thay vì cho biết chi tiết hiệu quả sử dụng vốn vay được bảo lãnh ở từng dự án và khả năng trả nợ của từng dự án đến nay ra sao.

Bảo lãnh chính phủ thuộc phạm vi của nợ công. Từ trước đến nay, Chính phủ chưa đứng ra bảo lãnh cho bất cứ đối tượng doanh nghiệp nào ngoài DNNN. Như tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì nợ tự vay, tự trả của DNNN không tính vào nợ công nhằm đảm bảo sự công bằng với các thành phần doanh nghiệp khác theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Nhưng nếu muốn công bằng thực sự, trước hết cần phải thống kê được hiệu quả sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ ở các dự án, dự án nào khó khăn về trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ, phải cơ cấu lại nợ. Tổng số tiền trả nợ thay đến nay là bao nhiêu? Vì sao các dự án không trả được nợ?

Bởi nợ DNNN tự vay tự trả thuộc nghĩa vụ trực tiếp của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không trả được, như trường hợp các dự án giấy, xi măng và mới đây là dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ vài ngàn tỉ đồng, đều vay vốn của các ngân hàng Trung Quốc và đều có thể chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Có bao nhiêu dự án đã và đang rơi vào nguy cơ chuyển nợ dự phòng như vậy? Còn các dự án đã chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ là bao nhiêu?

Nếu không xác định đúng nội hàm và thống kê chính thức, đầy đủ, toàn diện hơn thì có thể bảo lãnh vay nợ của Chính phủ chỉ là một phần trong bức tranh trả nợ và trả nợ thay của Chính phủ cho DNNN. Ngân sách nào sẽ kham nổi các khoản rủi ro về trả nợ, rủi ro về lãi suất khi trả nợ thay vì 84% bảo lãnh chính phủ là bảo lãnh vay nước ngoài, nhiều khoản doanh nghiệp vay với lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó còn những rủi ro về tỷ giá vì DNNN đi vay nước ngoài chủ yếu là vay nợ bằng đồng đô la Mỹ, đồng euro, đồng yen Nhật.

Ngọc Lan