|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Reuters: Kinh tế Việt Nam rơi vào thế khó khi xuất khẩu chậm lại, cầu nội địa yếu

15:17 | 13/03/2023
Chia sẻ
Reuters cho rằng nền kinh tế Việt Nam rơi vào thế khó khi nhu cầu bên ngoài sụt giảm, trong khi cầu tiêu dùng trong nước cũng yếu.

“Năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 8%, một phần nhờ các nhà sản xuất như Samsung Electronics, LG, Foxconn đóng góp nhiều cho lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nhu cầu bên ngoài đang sụt giảm mạnh, cầu nội địa cũng yếu. Hai yếu tố này đặt nền kinh tế Việt Nam vào thế khó". Reuters mở đầu bài viết về nỗi lo xuất khẩu của Việt Nam chậm lại.

Việt Nam từ lâu được coi là quốc gia thay thế Trung Quốc làm công xưởng giá rẻ của thế giới. Việc tham gia các hiệp định thương mại với ưu đãi cắt giảm thuế quan, chi phí nhân công thấp, thuận lợi về vị trí là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Năm ngoái, FDI vào Việt Nam tăng 13,5% lên 22 tỷ USD, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất cho các mặt hàng như đồ điện tử, quần áo và giày thể thao.  

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 372 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 10% so với năm 2021. So sánh với những nước láng giềng, chỉ có Malaysia – nhà xuất khẩu dầu mỏ từng đạt mức này.

 

 

Tuy nhiên hiện nhu cầu bên ngoài đang sụt giảm. Việt Nam cũng đang thiếu vắng thị trường tiêu dùng khổng lồ là Trung Quốc. Reuters cho rằng lao động Việt Nam trẻ hơn so với lao động Trung Quốc, nhưng lại nhiều tuổi hơn so với của Indonesia và Ấn Độ, vì thế lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công có thể sẽ không kéo dài.

Ở trong nước, đã có tin không vui đến từ một số nhà sản xuất. Điển hình là Công ty PouYuen Việt Nam thuộc sở hữu của Tập đoàn Pouchen (Đài Loan, Trung Quốc) chuyên sản xuất da giày cho các nhãn hàng lớn, tháng trước cho biết sẽ cắt giảm khoảng 6.000 việc làm tại TP HCM, chỉ hai năm sau khi họ từng rơi vào tình trạng thiếu lao động.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 2, xuất khẩu giảm hơn 24% so với cùng kỳ, hai tháng đầu năm ghi nhận mức giảm 9% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký giảm 38% trong 7 tuần đầu của năm 2023. Hầu hết các nước láng giềng với Việt Nam, kể cả Trung Quốc, đã giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu bằng cách phát triển các doanh nghiệp tư nhân năng động để nâng cao chuỗi giá trị và tăng thu nhập cho người lao động. Theo Reuters, nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc, Việt Nam cần thay đổi hướng đi của mình.   

Anh Đào