Mặt hàng nào sẽ tăng trưởng tích cực giữa lúc xuất khẩu gặp khó khăn?
Trong báo cáo vĩ mô tháng 2, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định mặt hàng nông sản, rau quả sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn.
Trong tháng 2, đây cũng là mặt hàng ghi nhận điểm sáng lớn nhất trong bức tranh chung của ngành xuất khẩu, tăng trên 65% và đóng góp 0,89 điểm phần trăm vào mức tăng chung xấp xỉ 11% của tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm cũng bật tăng mạnh, từ âm 20% trong tháng 1 lên tăng 88% trong tháng 2.
Với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc – đối tác xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (tỷ trọng trên 50%, sắn trên 90%) và việc Việt Nam đã ký kết nhập khẩu chính ngạch thêm một số loại nông sản mới từ năm 2022 vừa qua, BVSC cho rằng mặt hàng này sẽ có sự tăng trưởng tích cực.
Báo cáo cũng cho biết các mặt hàng, nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu cả nước (89,8%). Giá trị xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng trong nhóm này đều đã tăng trở lại trong tháng 2 so với cùng kỳ, tuy nhiên, xuất khẩu gỗ vẫn đang giảm hơn 10%.
Tương tự, giá trị xuất khẩu các sản phẩm máy móc và điện tử phần lớn cũng tăng trưởng trương trở lại trong tháng 2, ngoại trừ mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, giảm 3,77%. Triển vọng xuất khẩu của các sản phẩm này vẫn đang gặp khó khăn trong bối cảnh các nước có lạm phát ở mức cao và triển vọng tăng trưởng kém tích cực.
Nhận định thêm về ngành sản xuất, BVSC cho rằng ngành sản xuất công nghiệp trong năm 2023 vẫn còn gặp khó khăn với triển vọng xuất khẩu có phần u ám, tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ hay châu Âu kém tích cực. Thêm vào đó, áp lực về lạm phát vẫn còn lớn có thể tác động tới nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp, qua đó tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam.