80% mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng âm, riêng một ngành vẫn giữ phong độ, mang về hơn 9 tỷ USD
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất khẩu từng ngành hàng chủ đạo tháng 2 và hai tháng đầu năm. Theo đó, trong 46 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ có 9 mặt hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong hai tháng đầu 2023.
Mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là Xơ, sợi dệt các loại với mức giảm 38,4%; tiếp đó là Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (giảm 34,1%) và Gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 31,8%).
Trong 9 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương, Xăng dầu các loại là mặt hàng tăng cao nhất so với cùng kỳ hai tháng 2023, với mức tăng 18,5%. Đứng thứ hai là Hàng rau quả tăng 12,4%. Tiếp theo là Dây điện và dây cáp điện tăng 9,6%. Các mặt hàng còn lại tăng trưởng dưới 6%.
Xét về trị giá xuất khẩu, Điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với 9,2 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay. Đây cũng là mặt hàng vẫn giữ được "phong độ" khi không rơi vào nhóm tăng trưởng âm. Mới đây, các chuyên gia của HSBC cũng đánh giá mảng điện thoại và linh kiện là trường hợp ngoại lệ trong bối cảnh suy yếu diện rộng của các ngành chủ đạo.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay của mặt hàng này tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
HSBC nhận định đặt trong chu kỳ phát hành điện thoại thông minh của Samsung, kết quả này nhiều khả năng đạt được là nhờ sự ra mắt của dòng sản phẩm "đinh" Galaxy S23 từ ngày 17/2, với số lượng đặt trước cao hơn hẳn so với dòng Galaxy S22 trước đây.
Nhận định về tình hình xuất khẩu hai tháng đầu năm, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu hai tháng đầu năm giảm 10,4% so với cùng kỳ, cùng với việc khu vực sản xuất công nghiệp yếu đi cho thấy sức khỏe của nền kinh tế gặp thách thức lớn.
Trước đó, HSBC cũng cảnh báo thời kỳ xuất khẩu “ngủ đông” đang đến với xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế, từ những tháng cuối năm 2022, suy giảm xuất khẩu đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày; sản phẩm gỗ và máy móc,…
Ngoài ra, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng từ Việt Nam.
Theo dự báo của Chứng khoán Agribank (Agriseco), các mặt hàng xuất khẩu lớn như máy vi tính, điện tử; gỗ; xơ sợi dự báo tiếp tục giảm do số lượng đơn đặt hàng mới giảm tại các thị trường đối tác chính Mỹ, EU và gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu khi Trung Quốc mở cửa. Trong khi đó các mặt nông sản, cao su dự kiến tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm nếu nhu cầu Trung Quốc hồi phục hoàn toàn.
Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính tăng trưởng xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức 393-402 tỷ USD (tăng 5,8% - 8,3% so với cùng kỳ), nhập khẩu đạt mức 380-387 tỷ USD (tăng 5,4% - 7,3% so với cùng kỳ).
Theo kết quả dự tính trên, Việt Nam có thể xuất siêu 12,6-15,2 tỷ USD vào năm 2023.
Kịch bản tăng trưởng này dựa trên giả định nhu cầu tiêu dùng hàng hóa toàn cầu suy giảm do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục là thách thức bởi tình trạng căng thẳng từ đàm phán ngoại giao song phương.
BSC cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của từng nhóm ngành chủ lực. Về xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện dự tính tăng 6- 8,3%. Mức này giảm khá nhiều so với mức tăng trưởng 10,6% trong năm 2022.
Ngoài ra, dệt may được dự báo chỉ tăng trưởng khiêm tốn từ 3,9- 5,2%. Các năm trước đó, nhóm hàng xuất khẩu này tăng trưởng khá.